06 nhiệm vụ cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện trong toàn tỉnh

435
Đánh giá bài viết

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai toàn diện 06 nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), nhất là công tác cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC.

Ảnh minh họa.

các cấp, các ngành và địa phương đã gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc trực tiếp chỉ đạo hoạt động CCHC, thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra CCHC, qua đó phát huy được mặt tích cực, tìm ra được tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức. Căn cứ nhiệm vụ được giao trong các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và thực tiễn công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, từ đầu năm đến nay, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 82 văn bản QPPL, các ngành thẩm định 34 dự thảo văn bản QPPL; cập nhật 35 văn bản QPPL lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia.

Xác định công bố, công khai TTHC là một trong những khâu trọng tâm để phát huy sự giám sát của toàn xã hội đối với các TTHC, tính đến ngày 30/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành 60 quyết định công bố 315 TTHC, trong đó công bố mới 28 TTHC; sửa đổi, bổ sung 49 TTHC; bãi bỏ 76 TTHC. Ngay sau khi được công bố, các TTHC đã được cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, đồng thời được kết nối, tích hợp, đồng bộ hóa về Cổng Dịch vụ công, Hệ thống Thông tin một cửa điện tử, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, 100% cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC đã niêm yết công khai dưới 02 hình thức là Bảng niêm yết và Sổ hướng dẫn TTHC. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đều bám sát và tuân thủ đúng quy định về TTHC như thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện, yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc.

Hiện nay, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai tại 157/159 xã, phường, thị trấn; 100% đơn vị cấp huyện và sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa. Trung tâm Hành chính công của tỉnh tiếp tục hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Đến nay, 12 sở, ngành thuộc UBND tỉnh đã đưa gần 100% TTHC vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công với tổng số 1.047 TTHC. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử với 1.735 TTHC (cấp tỉnh: 1.434 thủ tục; cấp huyện: 159 thủ tục và cấp xã: 142 thủ tục), kết nối liên thông, đảm bảo xuyên suốt, cung cấp đầy đủ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi giao dịch. Từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành đã tổ chức rà soát và đề xuất đơn giản hóa 67 TTHC liên quan đến 20 văn bản quy QPPL trong các lĩnh vực liên quan.

Mặt khác, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, đặc biệt là trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý Nhà nước, kỹ năng hành chính; khả năng xử lý, giải quyết công việc ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Các cấp, các ngành và địa phương cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, việc thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC theo phương pháp, quy trình tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp còn rườm rà, làm chậm trễ quá trình xử lý hoặc kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập được địa phương, cơ sở phát hiện. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC ở một số đơn vị chưa được thường xuyên. Cán bộ phụ trách CCHC hầu hết vẫn còn kiêm nhiệm nên việc tham mưu thực hiện giải pháp CCHC kết quả còn thấp…

Thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn II (2016-2020); quán triệt, thực hiện các văn bản pháp luật về cải cách thể chế, TTHC, chế độ công vụ, công chức, nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị; thường xuyên tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL nhằm kịp thời phát hiện những văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với quy định của văn bản cấp trên, tình hình thực tiễn của địa phương hoặc không có tính khả thi trên thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Đặc biệt, toàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động cải cách về quá trình thực thi giải quyết TTHC, rút ngắn 10% thời gian hẹn trả kết quả và giải quyết TTHC so với thời hạn được pháp luật quy định; thực hiện quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường giải pháp về minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan giải quyết TTHC; thường xuyên, liên tục chuẩn hóa kịp thời nội dung công bố TTHC nhằm công khai, minh bạch tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền; đẩy mạnh việc áp dụng hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trong giải quyết các TTHC.

Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có chất lượng quy trình đánh giá tác động đối với quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL; tăng cường rà soát, đánh giá TTHC và quy định có liên quan đang còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân; nâng cao năng lực cho hệ thống cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC thông qua việc tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kiểm soát TTHC; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh trong hoạt động giám sát về TTHC, đồng thời khuyến khích người dân tham gia góp ý, hiến kế, giám sát các quy định hành chính và hành vi hành chính. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, thực hiện chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp; duy trì, củng cố thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông…

Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình