Vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

921
Đánh giá bài viết

Trong Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận là kim chỉ nam trong hành động, bảo đảm cho sự thành công của công tác vận động, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2018

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận – công tác vận động quần chúng – là một hệ thống các quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, là sơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận. Quá trình lãnh đạo dựng Ðảng, dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền. Người xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nhưng dân dân cần Đảng tiên phong dẫn đường. Đảng có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng.

Bảo vệ an ninh Tổ quốc là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại các hoạt động xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, đối ngoại, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bảo vệ an ninh Tổ quốc có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh của Đảng, Nhà nước và sự tồn vong của chế độ, sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Vì vậy, công tác này này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài để vận động quần chúng nhân dân không ngừng nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Với ý nghĩa đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là kim chỉ Nam cho hành động và xác định lực lượng, biện pháp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công tác dân vận là yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đối với Công an nhân dân, ở mọi lúc, mọi nơi, vận động quần chúng là biện pháp công tác cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân là một hợp thành công tác dân vận của Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của Công an nhân dân được thể hiện thông qua công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Mục tiêu của vận động quần chúng là nhằm khai thức, phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người”, bên cạnh đó, cần phải tranh thủ các đối tượng chậm tiến để giáo dục, thuyết phục họ sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhâ dân trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân đã chứng minh, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự  có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần làm nên những chiến công trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân. Ngay từ khi ra đời, sau Cách mạng tháng Tám, lực lượng Công an nhân dân đã vinh dự cùng các lực lượng khác trực tiếp bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, bảo vệ Đảng, Chính phủ, giữ vững trật tự trị an trong những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ. Những ngày đầu tiên ra hoạt động công khai đó, lực lượng Công an nhân dân đã biết dựa vào quần chúng, phát động khí thế quần chúng đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng còn ngoan cố, côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp còn ẩn nấp nhằm ổn định tình hình.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiểu rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng, với các phong trào “ba không” ở Việt Bắc và vùng tự do là không biết, không nghe, không thấy, ở vùng địch chiếm là không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch; ở Nam bộ là phong trào “ngũ gia liên bảo”, “tự quản bảo vệ an ninh”, “trật tự thôn, xóm”.

Năm 1958, để thực hiện kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc, đã phát động quần chúng thực hiện phong trào “ba phòng” (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn). Những năm đầu thập kỷ 60, rút kinh nghiệm cuộc vận động “ba phòng”, Bộ Công an chỉ đạo tổng kết cuộc vận động và nâng cuộc vận động lên thành phong trào “bảo vệ trị an” ở trong các xã, phường và cơ quan xí nghiệp. Đầu năm 1965, để đấu tranh chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, Đảng đã có chỉ thị đẩy mạnh phong trào “bảo vệ trị an” từng bước xây dựng xã, khối phố vững mạnh về chính trị và trật tự, an ninh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng đã hợp nhất phong trào “Bảo vệ trị an” và cuộc vận động “Bảo mật, phòng gian, xây dựng cơ quan, xí nghiệp an toàn” thành một phong trào có tên gọi là “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong phạm vi cả nước. Từ đó, “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, yêu cầu của công tác phòng ngừa ,đấu tranh bảo đảm an ninh, trật tự trong từng thời gian, gắn với địa bàn, lĩnh vực để đưa ra những nội dung mới làm cho phong trào luôn ở thế cách mạng tiến công, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy vai trò của quần chúng, trên cơ sở “Phải gây quan hệ thật tốt giữa Công an với nhân dân”, trong những năm qua, bằng nhiều biện pháp khác nhau, lực lượng Công an nhân dân đã tuyên truyền, giới thiệu cho quần chúng những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, để quần chúng cảnh giác đồng thời hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ. Đại đa số quần chúng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cộng tác sâu sắc, sát cánh cùng lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa các loại tội phạm. Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng ở khắp các địa phương với nhiều mô hình phong phú, phù hợp, thiết thực, phát huy được vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng ,chống tội phạm. Đó là các mô hình như: “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm”, “Toàn dân tham gia cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại phường, xã”, mô hình “Vận động đối tượng ra đầu thú, tự báo”… các mô hình mang tính xã hội rộng lớn, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Dưới sự hướng dẫn của các lực lượng Công an nhân dân, nhiều mô hình, tổ chức quần chúng làm công tác an ninh, trật tự ở phường, xã, các cơ quan, doanh nghiệp như: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; mô hình “Khu phố bình yên, gia đình hạnh phúc”… được phát triển nhân rộng, làm giảm thiểu và kiềm chế tình hình tội phạm, các vụ tranh chấp và những vấn đề xã hội phức tạp. Đồng thời, các hình thức sinh hoạt mang tính quần chúng rộng rãi nhẳm bảo vệ an ninh, trật tự, phòng ngừa tội phạm tích cực như: “Câu lạc bộ pháp luật”, “Tìm hiểu an toàn giao thông”, “Phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên”… do lực lượng Công an nhân dân phối hợp tổ chức cũng đã nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần xây dựng nếp sống kỷ cương, tôn trọng pháp luật ở cộng đồng dân cư.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam từ nhiều hướng, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt nhằm gây mất ổn định chính trị, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị và là bài học quý báu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Công an nhân dân xác định rõ biện pháp vận động quần chúng là một trong bảy biện pháp công tác Công an, làm nền tảng cho các biện pháp khác và toàn bộ hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong công tác vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xây dựng, củng cố, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, triệt xóa tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

Hồ Hiền