70 năm theo “Tư cách” Bác Hồ dạy

188
Đánh giá bài viết

Đến mùa Xuân này, các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam tròn 70 năm thực hiện 6 điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vào ngày 11-3-1948, sau khi nhận được tờ nội san Bạn dân số Tết của Công an Khu 12 do đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu 12 gửi biếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai. Trong thư, Người căn dặn: “Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Người nêu: “Tư cách của người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. – Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. – Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. – Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. – Đối với công việc, phải tận tụy.- Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai- Giám đốc Công an khu 12 ngày 11/3/1948

Thư của Bác Hồ gửi đồng chí Giám đốc Khu XII cũng là lời huấn thị chung cho toàn lực lượng CAND, là di sản tinh thần thiêng liêng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng, là chuẩn mực đạo đức, phương châm xử thế và hành động, là động lực tinh thần, cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của lực lượng CAND trong suốt chặng đường cách mạng đầy chông gai, thử thách của đất nước và dân tộc. 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên về tư cách người Công an cách mệnh đã 70 năm. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc và trong sự nghiệp xây dựng CNXH trên cả nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới, đã phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ lời dạy sâu sắc của Người. Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng cho đến nay vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng CAND mà trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức có thể soi vào nhiều điều trong 6 điều dạy của Bác để học tập, rèn luyện đạo đức, phong cách và hành động.

Mỗi một giai cấp, một lực lượng chính trị, một Đảng chính trị khi cầm quyền đều chú trọng xác lập nền tảng, chế độ kinh tế và xây dựng chế độ chính trị, kiến trúc thượng tầng thích hợp. Chế độ chính trị và kiến trúc thượng tầng đòi hỏi không ngừng hoàn thiện nhà nước, pháp luật, ý thức hệ và đạo đức. Đạo đức là một trong những hình thức sớm nhất của ý thức xã hội, là bộ phận quan trọng trong kiến trúc thượng tầng xã hội. Đạo đức là những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc, quốc gia, xã hội). Mỗi một giai cấp, dân tộc có những chuẩn mực phù hợp với giai cấp, dân tộc mình và phát triển cùng với các thời đại lịch sử. Người ta căn cứ vào các chuẩn mực đó mà đánh giá hành vi của mỗi cá nhân thành viên của xã hội theo quan niệm về thiện và ác, về những điều không được làm vì vi phạm đạo đức và những gì mà mỗi người phải làm, hợp với đạo đức. Khác với pháp luật, đạo đức không làm thành văn bản pháp quy có tính bắt buộc, mà mọi người tự giác thực hiện theo sự thôi thúc của lương tâm, lòng tự trọng và được kiểm soát bởi dư luận xã hội…

Chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác Công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn ANQG và TTATXH. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, kể cả trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiệm vụ đó không hề giảm nhẹ, đòi hỏi người Công an cách mạng không ngừng nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi nhận thức đạo đức như những chuẩn mực trong quan hệ giữa con người với nhau và với cộng đồng và được xã hội thừa nhận, trên thực tế đã làm nổi bật những quan hệ cơ bản trong đời sống chính trị xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu quan hệ nội tâm, nội tại (tự mình) của mỗi con người. Sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân là đặc biệt quan trọng, vượt qua những cám dỗ, ham muốn, giữ vững lý tưởng cách mạng, niềm tin thật sự cần, kiệm, liêm, chính là điều căn bản đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an. Các mối quan hệ khác được Bác Hồ đề cập thật giản dị mà sâu sắc (với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc, với địch). Những quan hệ đó không chỉ là cách ứng xử, mà còn là trách nhiệm công vụ, bản chất chính trị của CAND trong bộ máy Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Càng đọc, càng suy ngẫm về sáu điều Bác Hồ dạy CAND càng thấy sự thống nhất kỳ lạ giữa tư cách đạo đức với chức trách, nhiệm vụ, giữa tình và nghĩa, giữa nhận thức và hành động, giữa sự nghiệp lớn lao và những hành vi cụ thể. Sự thống nhất đó trong những điều Bác dạy đã làm sáng lên phẩm chất cao đẹp và cũng là niềm tự hào của CAND mà nhiều thế hệ đã phấn đấu hy sinh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong tình hình hiện nay không tách rời nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tiếp tục cuộc vận động “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW. Trong đó, nhấn mạnh, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam; là sản phẩm của dân tộc và thời đại, trường tồn, bất diệt, là tài sản vô giá của dân tộc ta; là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó, bao gồm một hệ thống những quan điểm lý luận, tư tưởng về chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về sự cải biến cách mạng đối với thế giới, về đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh, về việc hiện thực hóa các tư tưởng ấy trong đời sống xã hội…

Trong tình hình hiện nay, không chỉ lực lượng Công an, mà mọi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và mỗi người chúng ta có được giá trị vĩnh hằng về tư cách từ 6 điều Bác Hồ dạy để xử thế và hành động, để nhân lên sức mạnh trên bước quân hành trong công cuộc đổi mới đất nước. 6 điều Bác Hồ dạy đã khái quát toàn diện hình mẫu người cách mạng với những phẩm chất đặc trưng mà rất đỗi bình dị, sống có  lý tưởng trong sáng, có lập trường tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, dũng khí và ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.

Ngay từ lời dạy đầu tiên, Bác viết “Đối với tự mình, phải: cần, kiệm, liêm, chính”. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương và Người giải thích cặn kẽ, cụ thể nội dung từng khái niệm. Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”. Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”. Liêm là “luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “Không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; “Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mình…”. Chính là không tà, là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”.

Người dạy “Đối với đồng sự, phải: Thân ái giúp đỡ”. Đồng sự là đồng đội, đồng chí của mình, là mọi người quanh mình, yêu thương con người xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội, là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Yêu thương con người là phải quan tâm đến những người lao động bình thường, chiếm số đông trong xã hội. Yêu thương con người là phải làm mọi việc để vì con người, vì mục tiêu “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Yêu thương con người là phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, sống cao đẹp hơn. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.

“Đối với nhân dân, phải: Kính trọng, lễ phép” là: Đảng, Chính phủ, cán bộ nhà nước phải là “Đầy tớ trung thành của dân”; phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Người đã dạy: Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”. Đồng thời, Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ Công an: “Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”; “Bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, Công an phải luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”. Trong Bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương trung cấp khóa II, Bác Hồ chỉ rõ: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn” .Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.

“Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành” được Bác Hồ nêu ra là trung thành với Đảng ẩn trong thuật ngữ trung thành với Chính Phủ, đây là biểu hiện phẩm chất hàng đầu của người cộng sản cách mạng, đi theo lý tưởng của Đảng để mang lại độc lập tư do cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của bè lũ đế quốc, trong điều kiện đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống pháp và Mỹ xâm lược mỗi người dân là một chiến sỹ với khẩu hiệu hành động “Tất cả vì Tổ quốc quyết sinh” đã cùng nhau đứng lên đấu tranh bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Hiện nay, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” kích động bạo loạn, lật đổ; triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị. Tình hình tham nhũng tiêu cực, sự xuất hiện tội phạm mới và hoạt động của bọn tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm về môi trường, tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông… tiếp tục diễn biến phức tạp, trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đặt ra hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp. thực hiện tốt lời dạy của Bác “Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành” thể hiện tinh thần tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh…

“Đối với công việc, phải tận tụy”: Một điều tuy ngắn nhưng bao quát được yêu cầu về tinh thần, thái độ đối với công việc. Đây là phẩm chất chung của mỗi cán bộ, đảng viên, càng phải là phẩm chất cần phải có của mỗi chiến sỹ công an cách mạng. Tận tụy với công việc được thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, có hiệu quả thiết thực. Đã phụ trách công việc gì thì quyết tâm làm cho bằng được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Đó cũng chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cao cả của người cán bộ, đảng viên.

Có được những đức tính và phong cách như vậy, thì người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhất định vững vàng về bản lĩnh chính trị, sẽ cương quyết và khôn khéo với địch, đánh thắng tất cả mọi thế lực thù địch và mọi kẻ thù trong đời sống xã hội trong mọi tình huống, giữ vững cuộc sống bình yên.

Thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy trong thời kỳ mới, cũng là thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đặc biệt là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kim Cương