“Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

7043
Đánh giá bài viết

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc hóa chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm hoặc chưa được phép sử dụng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động bật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm, cung cấp, bán thực phẩm hoặc nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hổ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng do người tử đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS thực hiện xâm phạm các quy định về an toàn cho xã hội mà theo quy định phải chịu TNHS.

 

Ảnh minh họa.

 

Đối tượng tác động của tội phạm là các loại thực phẩm.

Tội phạm biểu hiện ở hành vi vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, cung cấp thực phẩm. Các hành vi cụ thể gồm:

– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong hai trường hợp :

+ Thực phẩm được làm ra có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

–  Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong hai trường hợp :

+ Thực phẩm làm ra có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong hai trường hợp:

+ Thực phẩm làm ra có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên;

+ Thực phẩm làm ra có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Thực phẩm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được sử dụng hoặc chưa được lưu hành tại Việt Nam. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Thực phẩm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên;

+ Thực phẩm trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Thực hiện một trong các hành vi nêu trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Gây ngộ độc từ 05 người trở lên;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 30% trở lên.

Tội phạm được thực hiện bởi những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định và được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi sử dụng các chất trên, thực phẩm có sử dụng các chất đó là vi phạm quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm, sẽ gây ra hoặc có thể gây ra tổn hại cho sức khỏe con người nhưng vẫn sử dụng.

Điều 317 BLHS năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các khung hình phạt như sau:

* Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp:

+ Có trị giá  từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng.

– Đối với thực phẩm sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 trong các trường hợp:

+ Có trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Đối với thực phẩm sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam sẽ truy cứu TNHS theo khoản 1 trong các trường hợp:

+ Có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

+ Có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người;

– Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 30% đến 60%.

* Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trong các trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Làm chết 01 người;

+ Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

+ Gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

+ Gây thiệt hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng sẽ truy cứu TNHS theo khoản 2 trong các trường hợp sau:

– Trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

– Thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

+ Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam sẽ truy cứu TNHS theo khoản 2 trong các trường hợp:

 – Trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

– Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

– Tái phạm nguy hiểm.

* Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 đến 15 năm trong các trường hợp:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

+ Gây thiệt hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng sẽ truy cứu TNHS theo khoản 3 trong các trường hợp sau:

 – Trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

– Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

+ Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam sẽ truy cứu TNHS theo khoản 3 trong các trường hợp:

 – Trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

– Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

* Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm trong các trường hợp:

+ Làm chết 03 người;

+ Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 201 người trở lên;

+ Gây thiệt hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng sẽ truy cứu TNHS theo khoản 3 trong các trường hợp sau:

 – Trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

– Thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng trở lên;

+ Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

+ Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam sẽ truy cứu TNHS theo khoản 3 trong các trường hợp:

 – Trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên;

– Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên;

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm chết người;

c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Thực phẩmsử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

h) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

đ) Thực phẩm  sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

đ) Thực phẩm  sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.