Tìm hiểu nội dung BLTTHS năm 2015 về “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng”

58
Đánh giá bài viết

Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

 

Ảnh minh họa.

 

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là cá nhân đại diện cho pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của pháp nhân, đại diện cho pháp nhân với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mọi hoạt động của pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Theo quy định của Bộ luật Hình sự việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân không loại trừ trách nhiệm của cá nhân người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Vì vậy, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tại thời điểm giải quyết vụ án mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật vì các lý do khác nhau hoặc có nhiều người đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triệu tập, thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của pháp nhân trong quá trình giải quyết vụ án khi tham gia tố tụng,điều luật quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải thông báo choc ơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình và cả những thay đổi những thông tin này trong quá trình giải quyết vụ án (nếu có).

 

Điều 434. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng

1. Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

2. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông tin này thì người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

Quang Thắng