Tìm hiểu nội dung Điều 246 BLHS năm 2015 về “Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại”

2571
Đánh giá bài viết

Hành vi phạm tội xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý các loài ngoại lai xâm hại trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt tại các cửa khẩu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe của con người.

 

Ảnh minh họa.

 

+ Mặt khách quan của tội phạm: Điều 246 BLHS năm 2015 đã bỏ quy định mang tính chung chung, không cụ thể “người nào cố ý nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai gây hậu quả nghiêm trọng” tại Khoản 1 Điều 191a BLHS năm 2009 sửa đổi và thay vào đó là các hành vi vi phạm cụ thể như “nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng trở lên hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng trở lên”. Phát tán là làm lây lan loài động vật, thực vật ngoại lai…ra diện rộng dưới nhiều hình thức khác nhau như cho vào nguồn sông nước, phát tán qua nguồn gió tự nhiên…Điều luật đã có sự phân biệt trong chính sách xử lý đối với các hành vi nhập khẩu và phát tán các loài ngoại lai xâm hại, theo đó hành vi phát tán chỉ bị xử lý về hình sự khi có hậu quả, gây thiệt hại về tài sản.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi nhập khẩu vào Việt Nam hoặc phát tán trong lãnh thổ Việt Nam các loài ngoại lai xâm hại (thực vật, động vật xâm hại có nguồn gốc từ các nước, vùng lãnh thổ, khu vực hoặc châu lục khác) và hành vi đó gây ra thiệt hại về tài sản.

+ Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.,

+ Chủ thể của tội phạm: Là cá nhân đạt độ tuổi theo luật định có năng lực TNHS và pháp nhân thương mại.

+ Điều 246 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau:

Đối với cá nhân:

– Khung 1. (cơ bản) Người phạm tội vi phạm quy định tại khoản 1 bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Khung 2. (tăng nặng) Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, áp dụng đối với các trường sau: Có tổ chức; Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

– Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại:

– Hình phạt chính: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

– Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Quang Thắng