Tìm hiểu nội dung về”Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp” BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1472
Đánh giá bài viết

Hành vi dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp được quy định tại điều 325 BLHS năm 2015 trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và sự phát triển lành mạnh của người dưới 18 tuổi. 

 

Ảnh minh họa.

 

Các hành vi phạm tội này có cùng đối tượng tác động là người dưới 18 tuổi.

Điều 325 quy định ba tội độc lập: tội dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp, tội ép buộc người dưới 18 tuổi phạm pháp và tội chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

– Hành vi dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội hoặc sống sa đọa. Hành vi phạm tội này có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn dưới những hình thức khác nhau như cho ăn cơm, uống bia rượu, hút thuốc lá, hứa hẹn cho tiền hoặc cho quà, kích thích sự ham muốn vật chất…để người dưới 18 tuổi nghe theo tham gia vào hoạt động phạm tội hoặc sống sa đọa hay nói cách khác, hành vi dụ dỗ của người phạm tội là nguyên nhân dẫn đến người dưới 18 tuổi tham gia vào hoạt động phạm tội hoặc sống sa đọa.

– Hành vi ép buộc người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội hoặc sống sa đọa có nghĩa là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần để buộc người dưới 18 tuổi phải nghe theo thực hiện hoạt động phạm tội hoặc sống sa đọa.

– Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi cung cấp cho người dưới 18 tuổi phạm pháp chỗ ở có nghĩa là tạo điều kiện cho họ phạm pháp. Người dưới 18 tuổi sử dụng điều kiện về chỗ ở mà người chứa chấp đã tạo ra cho họ trong khi thực hiện hành vi phạm pháp mà không nhất thiết phải là hành vi phạm tội.

– Tội phạm được coi là hình thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Người thực hiện hành vi phạm tội này là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực TNHS.

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi dụ dỗ, ép buộc của mình là nguyên nhân làm cho người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội là nguy hại cho xã hội và mong muốn thực hiện hành vi đó. Đối với hành vi chứa chấp người phạm tội khi cung cấp về chỗ ở đã biết là tạo điều kiện về chỗ ở để cho người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm pháp.

Động cơ phạm tội là do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và mục đích phạm tội là để người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc tạo điều kiện để người 18 tuổi phạm pháp. Tuy nhiên, cả động cơ và mục đích phạm tội này đều không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này và do vậy, chúng không có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm.

Điều 325 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt sau:

– Khung cơ bản, có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Khung tăng nặng thứ nhất, có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:

+ Có tổ chức là hành thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm được quy định trong khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với người dưới 13 tuổi;

+ Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài hình phạt chính nêu trên người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

 

 Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Quang Thắng