Tìm hiểu nội dung Điều 47 BLHS năm 2015 về”Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”

6361
Đánh giá bài viết

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp hỗ trợ cho hình phạt để đạt được mục đích của hình phạt.

 

Ảnh minh họa.

 

 Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: Vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật hoặc tiền có thể là công cụ, phương tiện phạm tội cũng có thể là thông qua phạm tội mà có hoặc là do mua, bán, chuyển nhượng hoặc có thể là những vật do Nhà nước cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, lưu hành. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp hỗ trợ cho hình phạt để đạt được mục đích của hình phạt. Khi xét xử vụ án hình sự, Tòa án ra bản án và phải ghi trong phần quyết định của bản án việc xử lý những vật, tiền liên quan trực tiếp đến việc thực hiện tội phạm được các cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ, kê biên trong quá trình tố tụng để quyết định sung công quỹ Nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu hoặc tiêu hủy. Biện pháp tư pháp tịch thu những vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm chỉ do Tòa án quyết định, các cơ quan khác không có quyền áp dụng biện pháp này.

 Xử lý với tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm để sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

+. Việc tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

– Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội: Những công cụ, phương tiện mà người thực hiện tội phạm đã sử dụng và việc thực hiện tội phạm, như dao, súng, xe máy của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà kẻ phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ…

– Vật hoặc tiền có được là do việc thực hiện tội phạm, ví dụ như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội thì cũng có thể bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

– Vật thuộc loại Nhà nước cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành như vũ khí quân dụng, ma túy, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ, văn hóa phẩm đồ trụy…Đây là những vật mà người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đối tượng của việc thực hiện tội phạm.

+ Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là phải xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật, tiền đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép để trả lại cho họ. Nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung công quỹ Nhà nước. Sung công quỹ Nhà nước chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã hết thời hạn quy định tại thông báo mà không có người đến nhận và cũng không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

+ Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Điều luật quy định “…có thể bị tịch thu” tức là cho phép Tòa án quyết định việc tịch thu hay không tịch thu. Trong trường hợp này, Tòa án cần xác định rõ lỗi của người có vật, tiền để người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, ví dụ như sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản của mình để người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm thì ngoài việc có thể bị tịch thu tiền, vật, hành vi của chủ sở hữu tài sản còn có thể xem xét để xác định vai trò đồng phạm – giúp sức về vật chất.

 

Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

 

 

Quang Thắng