Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát biển năm 2018

283
Đánh giá bài viết

Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Bình trân trọng giới thiệu bố cục cơ bản của Luật Cảnh sát biển năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19/11/2018.

 

Ảnh minh họa.

 

Luật Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm 8 Chương, 41 điều. Bố cục của Luật cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 3 điều (từ Điều 8 đến Điều 10), quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Chương III. Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 03 Mục, 11 điều (từ Điều 11 đến Điều 21).

– Mục 1. Phạm vi hoạt động và biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 02 điều (Điều 11 và Điều 12), quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển và biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.

– Mục 2. Thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 06 điều (từ Điều 13 đến Điều 18), quy định về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự; thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển; công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải.

– Mục 3. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 03 điều (từ Điều 19 đến Điều 21), quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế; nội dung hợp tác quốc tế; hình thức hợp tác quốc tế.

Chương IV. Phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng, gồm 04 điều (từ Điều 22 đến Điều 25), quy định về phạm vi phối hợp; nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

 Chương V. Tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 06 điều (từ Điều 26 đến Điều 31), quy định về hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam; tên giao dịch quốc tế; màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; con dấu của Cảnh sát biển Việt Nam và trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam.

Chương VI. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 05 điều (từ Điều 32 đến Điều 36), quy định về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam; trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam; cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Chương VII. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 04 điều (từ Điều 37 đến Điều 40), quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 01 điều (Điều 41), quy định về hiệu lực thi hành.

 

Tiêu Dao