Tìm hiểu nội dung về “Tội vi phạm quy định về cung ứng điện” tại Điều 199 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

659
Đánh giá bài viết

Hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách cung ứng điện do Nhà nước quy định đối với các cơ quan, tổ chức và công dân qua đó có thể gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế hay các thiệt hại khác.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng điện chủ yếu do Nhà nước quản lí, hoặc đang dần cổ phần hóa các doanh nghiệp cung ứng điện nhưng nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Vì vậy, việc cung ứng điện đều có sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo an sinh xã hội, mặc dù trên thực tế có “hợp đồng” mua bán điện giữa các cơ quan, tổ chức và công dân giữa các doanh nghiệp cung cấp điện. Khi cơ chế thị trường thực hiện việc mua bán điện thực sự bình đẳng giữa các bên thì các hành vi nêu trên có thể được coi là vi phạm các cam kết trong hợp đồng nên có thể xử lí bằng các biện pháp hình sự.

– Người phạm tội có các vi phạm trong việc cung ứng điện, bao gồm các dạng hành vi cụ thể sau đây:

+ Đóng điện trái pháp luật

+ Cắt điện trái pháp luật

+ Từ chối cung cấp điện trái pháp luật

+ Từ chối xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng

Ví dụ các hành ci cắt điện hoặc từ chối cung cấp điện mà không có thông báo trước, không có căn cứ, lý do chính đáng làm cho các gia đình, doanh nghiệp, nhất là các gia đình kinh doanh, các doanh nghiệp đông lạnh…thiệt hại về kinh tế, hoặc việc từ chối cung cấp điện đã làm cho các doanh nghiệp khác chậm kế hoạch sàn xuất, xuất khẩu nên gây thiệt hại về kinh tế hay việc từ chối xử lí sự cố điện khi không có lý do chính đáng đã dẫn đến tai nạn về điện như gây tổn thương cơ thể, gây hậu quả chết người..v..v..

– Các hành vi vi phạm nêu trên bị coi là tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

+ Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tội vi phạm quy định về cung ứng điện trong BLHS năm 1999 tại Điều 177 nêu dấu hiệu định tội là gây hậu quả nghiêm trọng, hay các dấu hiệu định khung tăng nặng là hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đến nay BLHS năm 2015, Điều 199 đã cụ thể hóa nội dung hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…được phản ánh trong CTTP tại khoản 1, 2, 3, 4 bằng các hậu quả cụ thể như tỷ lệ tổn thương cơ thể, chết người hoặc thiệt hại tài sản…Quy định như BLHS năm 2015 đã tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng trong thực tiễn mà không cần qua các văn bản giải thích luật.

– Người phạm tội là người có năng lực TNHS, đạt độ tuổi luật định và là người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm cung ứng điện, có trách nhiệm xử lí sự cố điện khi xảy ra.

– Lỗi của người phạm tội là cố ý. Người có trách nhiệm cung ứng điện nhận thức rõ việc đóng điện, cắt điện hay từ chối cung cấp điện…là trái pháp luật, không có căn cứ nhưng vì động cơ mục đích khác nhau nên vẫn thực hiện.

Điều 199 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau đây:

Quy định hình phạt đối với tội vi phạm các quy định về cung ứng điện tại Điều 199 BLHS năm 2015 nhìn chung có một số thay đổi so với quy định tại Điều 177 BLHS năm 1999: tách khoản 2 Điều 177 BLHS năm 1999 thành hai khoản với các tình tiết định khung hình phạt gây hậu quả rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng đã được cụ thể hóa (điểm a, b, c khoản 2 và khoản 3); bổ sung hình phạt tiền là chế tài lựa chọn cùng với các hình phạt chính khác trong khoản 2 đồng thời nâng mức phạt tiền trong khoản 1 và 4. Cụ thể:

+ Khung 1. Người phạm tội bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tiền tại khoản 1 Điều này được nâng lên so với mức phạt từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng tại khoản 1 Điều 177 BLHS năm 1999.

+ Khung 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

+ Khung 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm chết 02 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

+ Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt tiền tại khoản 4 Điều này được nâng lên so với mức phạt từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng tại khoản 4 Điều 177 BLHS năm 1999.

Điều 199. Tội vi phạm quy định về cung ứng điện

1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tiêu Dao