Tìm hiểu nội dung Điều 5 về “Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

9078
Đánh giá bài viết

Điều luật quy định vấn đề hiệu lực của BLHS năm 2015 theo không gian dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của quốc gia ban hành pháp luật.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 BLHS năm 2015 có hiệu lực tuyệt đối. Điều này có nghĩa là: Bất cứ hành vi phạm tội là do công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS Việt Nam.

Lãnh thổ Việt Nam “bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1 Hiến pháp năm 2013). Cụ thể là:

– Đất liền là lãnh thổ giới hạn bên trong đường biên giới quốc gia.

– Hải đảo bao gồm các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các đảo và quần đảo này có thể nằm ở vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam.

– Vùng biển Việt Nam bao gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.

– Vùng trời là phần không gian bên trên đất liền, hải đảo và vùng biển.

– Tàu bay, tàu thủy mang quốc tịch Việt Nam.

Tội phạm được gọi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nếu hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Có thể có các trường hợp: (i) hành vi phạm tội bắt đầu ở Việt Nam và kết thúc ở Việt Nam. Đương nhiên đây là trường hợp thông thường vì tội đó xảy ra hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện tại nước ngoài nhưng hậu quả của tội phạm lại xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện tại Việt Nam nhưng hậu quả của hành vi phạm tội lại xảy ra ở nước ngoài.

So với quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 quy định rõ ràng hơn vấn đề hiệu lực của BLHS đối với hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Quy định như vậy là phù hợp với nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ của Việt Nam hiện nay.

Khoản 2 Điều 5 quy định người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của những người này được giải quyết như sau: (i) Giải quyết theo điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế. Nếu trong Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam là thành viên, có quy định giải quyết vấn đề này thì trách nhiệm hình sự của những người đó phải được giải quyết trên cơ sở quy định của Điều ước quốc tế đó. Nếu có tập quán quốc tế thì giải quyết theo tập quán quốc tế; (ii) Nếu Điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế định sẵn thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Như vậy, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết khác với công dân bình thường khác phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy định về giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự tại khoản 2 Điều 5 có điểm mới so với quy định tương ứng trong BLHS năm 1999. Đó là việc quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên áp dụng pháp luật để giải quyết một vấn đề khi vấn đề đó có nhiều văn bản luật điều chỉnh. Quy định áp dụng Điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề này là phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của Việt Nam.

Người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự là những người thuộc thành viên của các phái đoàn Quốc hội hoặc Chính phủ nước ngoài, những người đứng đầu cơ quan điều tra đại diện ngoại giao (đại sứ, công sứ…), thành viên của các cơ quan ngoại giao đó (cố vấn, tùy biên, bí thư…), các thành viên trong gia đình của những người kể trên đi cùng với họ nếu không mang quốc tịch Việt Nam, cán bộ, nhân viên nước ngoài của cơ quan đại diện thường trú và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Quang Thắng