Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

153
Đánh giá bài viết

Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020 quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Nghị định gồm 04 chương 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2020.

Ảnh minh họa.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự. Việc cưỡng chế thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Đối tượng áp dụng là pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền), cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.

+ Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định rõ tại Điều 4, gồm:

– Phong tỏa tài khoản (phong tỏa tài khoản tiền, phong tỏa tài khoản chứng khoán).

– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản).

– Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.

+ Lập biên bản việc pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được quy định tại Điều 5.

+ Gửi quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải gửi quyết định cưỡng chế cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án.

+ Triệu tập thông báo việc thi hành quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại chấp hành án đến trụ sở để thông báo quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

+ Cưỡng chế trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại tổ chức lại.

Chương II quy định trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế, trong đó nêu rõ các quy định về phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại. Trong đó, Điều 11 quy định các trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, gồm:

– Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (trong trường hợp đình chỉ tất cả các lĩnh vực).

– Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn.

– Thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản theo quy định tại Điều 5 Nghị định này (Khoản 1 Điều 37).

Khi có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở hoặc nơi có tài sản thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản./.

Tiêu Dao