An toàn PCCC tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong thời gian cách ly xã hội

658
Đánh giá bài viết

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Trong thời gian này nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt tăng cao, một số hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tích trữ hàng hóa, nhiên liệu như xăng, dầu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Theo số liệu thống kê trong 7 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 12 vụ cháy; mặc dù không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước đạt gần 5,6 tỷ đồng, trong đó có 5 vụ cháy nhà dân (chiếm tỉ lệ 41,7%).

Qua thực tế triển khai kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo Kế hoạch số 826/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh, cho thấy có gần 90% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các thiết bị PCCC, phương tiện cứu nạn, cứu hộ ban đầu, một số hộ gia đình chỉ có một lối thoát hiểm, còn tình trạng cơi nới thêm lồng sắt, lưới sắt “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Chủ hộ gia đình vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa ý thức được vai trò của mình trong công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), coi công tác PCCC là của lực lượng Công an, chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về lực lượng, phương tiện để đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy tại chỗ.

Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh bố trí hàng hóa quá nhiều cản trở lối thoát nạn

Để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong thời điểm cách ly xã hội, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh hướng dẫn một số nội dung như sau:

1. Chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và các thiết bị tiêu thụ điện; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như attomat, rơle tự đóng ngắt điện cho đường dây điện trong nhà, bảo vệ cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa…

2. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm; không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.

3. Không dự trữ xăng, dầu và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà phải cách xa nguồn lửa, nguồn sinh nhiệt. Nên để ô tô, xe máy, xe đạp điện trong Gara hoặc các phòng có khoảng không hở nhằm phòng ngừa khi xảy ra cháy, nổ không gây cháy lan và nhiễm khói, khí độc qua các khu vực khác trong căn nhà.

4. Khu vực bếp không để hàng hóa, chất dễ cháy gần nơi đun nấu. Khi sử dụng bếp gas cần tắt bếp và đóng van bình gas khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi bị hư hỏng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; khi sử dụng bếp dầu thường xuyên lau chùi sạch sẽ; không rót dầu vào bếp khi bếp đang cháy; không dùng xăng làm nhiên liệu cho bếp dầu.

5. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì dỡ bỏ hoặc mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn khi cần thiết. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

6. Trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

7. Khi xảy ra cháy phải thật sự bình tĩnh, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người trong nhà biết, nhanh chóng ngắt điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, chăn nhúng nước, các phương tiện chữa cháy khác được trang bị để chữa cháy, đồng thời điện thoại báo ngay cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh theo số điện thoại 114 hoặc chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất.

Công an tỉnh đề nghị người dân nêu cao ý thức về PCCC, góp phần vào sự bình an cho cả cộng đồng trong thời điểm cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19.

 Minh Tý – Phòng PC07