Bãi bỏ tội hoạt động phỉ trong BLHS năm 2015

50
Đánh giá bài viết

BLHS năm 2015 đã bỏ tội hoạt động phỉ, nhưng chuyển hóa các hành vi vào các điều luật quy định về tội danh khác.

 

Ảnh minh họa.

 

Việc bãi bỏ các tội danh trong BLHS xuất phát từ những căn cứ khác nhau. Có tội danh thì phi hình sự hóa một cách hoàn toàn, tức là bỏ hẳn ra khỏi Bộ luật hình sự, như: Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng và Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Nhưng cũng có các tội có sự chuyển hóa theo cách bỏ tên tội danh cũ và việc xử lý các hành vi tương tự sẽ được chuyển hóa vào các điều luật quy định về tội danh khác trong BLHS 2015. Bài viết này đề cập tới hành vi hoạt động phỉ được quy định trong cấu thành một số tội phạm cụ thể.

Theo Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tội hoạt động phỉ được quy định như sau:

“Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Hành vi hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, thực hiện hành vi giết người, cướp phá tài sản gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc tội danh này không được quy định trong BLHS 2015 bởi quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam từ khi BLHS 1999 có hiệu lực đến nay cho thấy việc phát hiện và xử lý những đối tượng hoạt động phỉ là không nhiều. Tuy nhiên, hành vi hoạt động phỉ cần được quy định trong cấu thành một số tội phạm cụ thể bởi các lý do sau:

Thứ nhất, tội hoạt động phỉ có dấu hiệu đặc trưng là hoạt động vũ trang xảy ra ở những địa bàn hiểm yếu, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, như  vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, các đối tượng dễ tập trung lôi kéo đồng bào tham gia.

Thứ hai, xuất phát từ đặc thù địa lý, địa hình nước ta có nhiều vùng rừng núi hiểm trở, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tiềm ẩn nguyên nhân, điều kiện để tội phạm hoạt động phỉ tồn tại.

Thứ ba, qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội hoạt động phỉ cho thấy việc áp dụng điều luật này không có vướng mắc, bất cập gì đến mức phải sửa đổi, bổ sung; cũng không đến mức phải bỏ loại tội phạm này. BLHS năm 2015 đã quy định  hành vi hoạt động phỉ vào cấu thành một số tội phạm cụ thể như: Tội Bạo loạn (Điều 112), tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)…

Theo Điều 112 thì người nào hoạt động vũ trang hoặc dung bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu, thành phố, đồng bằng, rừng núi, hải đảo… đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội bạo loạn và người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu thỏa mãn các dấu hiệu còn lại của cấu thành tội phạm.

Tương tự, theo Điều 113 BLHS năm 2015, hành vi xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm./.

 

Theo Kiểm Sát online