Biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tham mưu giải quyết các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, vi phạm trật tự an toàn xã hội của Ban bảo vệ dân phố phường Ba Đồn

7427
Đánh giá bài viết

Phường Ba Đồn là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hoá – xã hội của thị xã Ba Đồn, với diện tích hơn 4km2 gồm 2.600 hộ và 11.160 nhân khẩu. Với 80 cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ; có 7 trường học trên 8.500 học sinh và 48 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT đóng trên địa bàn. Nhân dân chủ yếu làm nghề dịch vụ, kinh doanh buôn bán, mộc, nề, cơ khí, sữa chữa… Địa bàn có 01 bến xe liên tỉnh, 02 chợ, 03 siêu thị thương mại là nơi giao lưu buôn bán của nhân dân trong và ngoài tỉnh, hàng ngày có trên 8.000 lượt người qua lại; có quốc lộ 12A chạy qua nối liền với cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Do tình hình đặc điểm của địa bàn cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hoá cao. Mặt khác do tác động mặt trái cơ chế thị trường nên tình hình ANTT trên địa bàn trong thời gian qua vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Xác định được tính chất phức tạp của địa bàn, được sự chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, Đảng ủy, UBND phường Ba Đồn đã đề ra nhiều Nghị quyết, kế hoạch tập trung lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), giữ vững ANTT, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Phường Ba Đồn đang trong quá trình xây dựng đô thị, nhiều cá nhân và tổ chức đang tiến hành xây dựng các công trình nhà ở dẫn đến phát sinh mâu thuẫn: Tranh chấp trên lĩnh vực đất đai giữa các hộ gia đình liền kề, giữa hộ dân với chính quyền địa phương về việc áp giá đền bù; ngoài ra với sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa đang phát triển mạnh như: Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn… dẫn đến một số vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ gia đình. Có thể xác định những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh vụ việc liên quan an ninh, trật tự tại địa phương chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình.

Để giải quyết tốt các vụ mâu thuẫn, Ban Bảo vệ dân phố (BVDP) đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần hạn chế phát sinh vụ việc liên quan ANTT trên địa bàn, xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm được vun đắp ngày càng tốt hơn.

Từ thực tiễn công tác, Ban BVDP phường Ba Đồn rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, về công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên lĩnh vực phát sinh mâu thuẫn tranh chấp như: Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình…Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương; giáo dục ý thức xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, văn minh.

– Lực lượng BVDP phải tích cực, chủ động nắm tình hình liên quan mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; trực tiếp gặp gỡ để nắm rõ nguyên nhân, lý do phát sinh mâu thuẫn tranh chấp; nhân thân, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, ý thức chấp hành pháp luật; nắm được những người có uy tín trong  dòng họ, trong gia đình. Đánh giá tính chất, mức độ mâu thuẫn, dự báo hậu quả có thể xảy ra. Báo cáo kịp thời cho Công an phường, cấp ủy, chính quyền địa phương và khu dân cư để phối hợp giải quyết. Chủ động đề xuất biện pháp; giới thiệu thành phần tham gia phù hợp với lĩnh vực phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp để giải quyết mâu thuẫn đạt hiệu quả cao nhất.

– Kết hợp giữa phân tích, giáo dục, cảm hóa và thuyết phục để những người có liên quan nhận thức được đúng sai, xác định rõ trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng phong trào tại địa phương. Việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân phải thận trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo các yêu cầu chính trị và pháp luật; phải hết sức cảnh giác với những âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tránh để đối tượng xấu lợi dụng “tạo cớ”. Muốn vậy, chúng ta phải nắm chắc tình hình diễn biến của mâu thuẫn, phân tích nguyên nhân sâu xa, trực tiếp, nhận dạng đúng mâu thuẫn, phân loại mâu thuẫn… xác định phương châm, lựa chọn phương pháp giải quyết mâu thuẫn và tổ chức thực hiện nhanh gọn, hiệu quả.

 – Chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân. Phối hợp lực lượng Công an để phát hiện triệt phá các tụ điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan hoạt động tệ nạn xã hội ở địa bàn nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.

Thứ hai, trong công tác đấu tranh, xử lý.               

– Đối với những vụ mâu thuẫn, tranh chấp hòa giải không thành thì phối hợp lực lượng Công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, có dấu hiệu phạm tội góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cần phải phát hiện và xử lý nghiêm khắc những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, quá khích, ngoan cố chống đối, có hành vi vi phạm pháp luật. 

– Việc giải quyết mâu thuẫn phải dựa trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, tăng cường hiệu lực của pháp chế xã hội chủ nghĩa để đảm bảo kỷ cương phép nước. Một mặt phải chú trọng công tác giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm dân chủ, phải phát hiện kịp thời và đề xuất, phối hợp xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ lợi dụng chức quyền để tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật… gây bất bình cho nhân dân.

Để giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ quần chúng nhân dân, tránh làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT, chúng tôi đề ra một số biện pháp sau:

1. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và của toàn dân; thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành; lực lượng CAND tham mưu hướng dẫn, nòng cốt, xung kích; các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và toàn dân tham gia thực hiện; tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm”. Các cấp các ngành cần xác định rõ tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, ở đâu không làm tốt công tác này thì lãnh đạo Đảng, Chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

2. Quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, phải thực sự gần dân, đi sâu đi sát vào quần chúng nhân dân, nắm bắt rõ tâm tư nguyện vọng cũng như dư luận trong nhân dân. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, làm cho mọi người dân biết sâu sắc, đầy đủ về ý thức và trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Coi đó là lợi ích của chính mình để tích cực và chủ động tham gia. Phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thôn, bản, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, không có tội phạm.

3. Phải lồng ghép việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, không để khiếu kiện khiếu nại xảy ra nhằm hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh điểm nóng gây ảnh hưởng đến ANTT.

4. Phải xây dựng lực lượng CAND, lực lượng BVDP và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch vững mạnh về chuyên môn, trình độ pháp luật thật sự là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân đồng thời phải có chế độ, chính sách phù hợp đối với những người tích cực tham gia và lập thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân.

Nguyễn Duy Hải                    

Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Ba Đồn