BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

342
Đánh giá bài viết

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra một số vụ đuối nước gây hậu quả thương tâm, điển hình là vụ đuối nước vào ngày 06/5/2023 tại biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, khiến 02 nạn nhân tử vong, điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong dịp nghỉ hè, thời tiết nắng nóng kéo dài, các em thường rủ nhau đi tắm ở những khu vực dễ xảy ra đuối nước.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia CNCH tai nạn đuối nước

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh đưa ra một số biện pháp phòng ngừa, kỹ năng xử lý và một số khuyến cáo về phòng, chống đuối nước trẻ em (PCĐNTE) như sau:

Các biện pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ em

– Giám sát kỹ trẻ khi đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối; không cho trẻ tự ý đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối mà không có sự giám sát của người lớn; không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

– Làm rào chắn quanh ao, hồ nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…). Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…).

– Thường xuyên nhắc nhở trẻ em về các biện pháp phòng tránh đuối nước ở các tình huống thường gặp tại môi trường mà các em đang sinh sống. Chỉ bảo, hướng dẫn cho trẻ nhỏ, học sinh không chơi đùa với nước khi không có sự giám sát  của người lớn, dạy cho trẻ nhận biết những khu vực có nguy cơ bị đuối nước. Việc nhắc nhở, chỉ bảo này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và kiên trì sẽ giúp cho các em dần hình thành ý thức, thói quen tự bảo vệ bản thân.

– Cho trẻ tham gia học các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi.

– Luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn khi lên, xuống các phương tiện giao thông
đường thủy (đò, tàu, thuyền, ghe,…) theo hướng dẫn của chủ phương tiện hoặc bảng chỉ dẫn tại bến. Luôn ghi nhớ khi lên phương tiện giao thông đường thủy phải mặc áo phao và quan sát vị trí các thiết bị cứu sinh để chủ động sử dụng khi không may gặp sự cố.

– Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. Không di chuyển nhiều trên mặt nước, đặc biệt là vùng nước chảy xiết, sông lớn. Chú ý hơn đến việc trông nom, chăm sóc trẻ em để phòng tránh đuối nước tại nhà hoặc ở nơi sơ tán tránh lũ lụt. Sơ tán trẻ em đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết

Các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước, cứu người bị đuối nước và các kỹ năng sơ cấp cứu.

Kỹ năng xử lý khi gặp trẻ đuối nước

– Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được tiến hành kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim. Tiến hành thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực theo cách như sau:

+ Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay.

+ Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

Ảnh minh họa

– Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế, cho đến khi tự thở lại được. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.

– Nếu trẻ đã thở được, hãy đặt trẻ nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

– Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người trẻ tấm khăn khô.

– Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

Một số nội dung khuyến cáo

– Gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ em biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

– Các cơ quan chức năng cần có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: Sông, suối, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm.

– Gia đình và nhà trường tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em, trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước.

– Phụ huynh (người lớn) cần trang bị cho mình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở… để có thể sơ cứu người bị đuối nước.

Quốc Việt – PC07