BLTTHS năm 2015 đặc biệt nhấn mạnh hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Điều 145

3921
Đánh giá bài viết

Xuất phát từ nhiệm vụ của BLTTHS được sửa đổi, bổ sung tại ngay Điều 1 BLTTHS năm 2015 về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật: “Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức và cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự”.

Ảnh minh họa.

Tại Điều 145 về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, BLTTHS quy định: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố” nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm ngay từ khâu tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.

Thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tương đối rộng, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an, cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức khác cũng có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Việc quy định đa dạng các cơ quan, tổ chức như trên tạo thành một mạng lưới tiếp nhận nguồn tin về tội phạm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tố giác và báo tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm và hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Hạn chế hơn về số lượng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được giới hạn chỉ bao gồm ba nhóm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với phạm vi giải quyết tương ứng, cụ thể là Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền điều tra của mình; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình; Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục. Sự hạn chế hơn về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là do để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh nguồn tin, một số biện pháp điều tra tố tụng như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, định giá tài sản…cũng có thể phải tiến hành trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và chỉ những cơ quan có thẩm quyền mới được áp dụng các biện pháp này.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố để tôn trọng và khuyến khích mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và cũng là đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo, quyền kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.

Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1.Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Tiêu Dao