Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đến năm 2020.

371
Đánh giá bài viết

Chiều 23-3, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đến năm 2020. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công an; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành có liên quan. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh, chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Quảng Bình.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh, chủ trì điểm cầu tại Công an tỉnh Quảng Bình.

Tội phạm ‘nóng’ giảm sâu

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS Bộ Công an trình bày báo cáo kết quả thực hiện 2 đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Quảng Bình

Theo đó, việc ban hành Đề án triển khai đến các đơn vị, địa phương là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ nhằm giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức, tạo sự chỉ đạo tập trung cao độ, quyết liệt và toàn diện. Các đơn vị, địa phương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các Chỉ thị của Lãnh đạo Bộ Công an, huy động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt chú trọng đấu tranh với tội phạm có tổ chức.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp trong Đề án về cơ bản đã hoàn thành, đạt và vượt mức chỉ tiêu đã đề ra. Lực lượng Công an đã thể hiện được vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao, phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội khác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng.

Công an Quảng Bình ra quân tấn Công trấn áp tội phạm,

Công an các địa phương đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu phối hợp với chính quyền các cấp (tổ dân phố, thôn, xóm), cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, các thủ đoạn lừa đảo, trộm cắp tài sản… Chủ động phối hợp, xác lập nhiều chuyên án, vụ án lớn, triệt phá được nhiều bằng nhóm tội phạm, tạo thế trận đồng loạt tấn công, trấn áp tội phạm.

Tội phạm về hình sự xảy ra được kiềm chế, số vụ xảy ra năm sau giảm liên tục so với năm trước, đặc biệt năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 5,43%. Tỷ lệ điều tra, khám phá trên 80%, liên tục tăng qua các năm.

Công an tỉnh Quảng Bình bắt các đối tượng cho vay lãi nặng.

Trong 3 năm triển khai Đề án, lực lượng CSHS toàn quốc đã rà soát, dựng hơn 1.785 băng nhóm tội phạm có tổ chức xâm phạm về trật tự xã hội để đưa vào diện quản lý, theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý.

Đánh chú ý, trong số này có nhiều bằng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, băng nhóm nguy hiểm sử dụng vũ khí “nóng” hoạt động gây bức xúc. Việc đấu tranh hiệu quả tạo sức răn đe mạnh mẽ với các loại tội phạm, làm chuyển biến tình hình tội phạm có tổ chức từ hoạt động công khai, liều lĩnh chuyển sang hoạt động “núp bóng”, cầm chừng.

Một số băng nhóm có biểu hiện “nằm im”, tự tan rã, góp phần tạo thế chủ động trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động tinh vi, phức tạp trong thời gian dài.

Tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao phần lớn là tội phạm “ẩn”, chỉ khi phát hiện mới điều tra, xử lý được. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm được phát hiện của tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao ngày càng tăng, phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan chức năng nhưng đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng, phức tạp của những loại tội phạm này.

Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an Quảng Bình thường xuyên tuần tra kiểm soát, đảm bảo ANTT trên địa bàn

Lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái với quy mô lớn, xuyên quốc gia. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng đặc biệt lớn từ trước đến nay.

Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và đấu tranh xử lý nhiều vi phạm pháp luật, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Lực lượng an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là đánh bạc, lừa đảo trên không gian mạng với quy mô lớn hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm đối tượng tham gia. Các lực lượng khác theo chức năng, nhiệm vụ cũng chủ động, tích cực phát hiện, phối hợp đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

Chuyển hóa mạnh địa bàn, đảm bảo bình yên cho nhân dân

Theo đánh giá của Bộ Công an, một số địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện những kế hoạch, chuyên đề đấu tranh tội phạm mang tính đón đầu, phù hợp với đặc thù tính chất tội phạm điển hình trên địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Tây Ninh… với các chuyên đề như “Tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp”, “Tội phạm tín dụng đen”, “Tội phạm lưu động”, “Các đối tượng hình sự dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần”; “Trộm cắp liên tỉnh tại các công sở”…

Trên cơ sở kết quả tích cực của những kế hoạch này, Ban chủ nghiệm đề án đã nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất Lãnh đạo Bộ có những kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn quốc, góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm.

Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong nắm tình hình, trao đổi thông tin, tham mưu, hướng dẫn tổ chức các giải pháp trong hoàn thiện pháp luật, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do các băng nhóm tội phạm có tổ chức gây ra, nhất là trong các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp hiệu quả với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

Cũng theo đại diện Cục CSHS, qua 3 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển hóa địa bàn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương; phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo, các lực lượng phối hợp, hỗ trợ cơ sở; đầu tư các nguồn lực để triển khai các giải pháp nhằm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn đạt được hiệu quả.

Lực lượng Công an các cấp đã phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, khu vực.

Đồng thời, các đơn vị chủ động chỉ đạo triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giải quyết những vấn đề bức xúc, những điểm, tụ điểm, băng, ổ nhóm có dấu hiệu, hoặc đang hoạt động trên địa bàn. Nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc, có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác chuyển hóa địa bàn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa phương.

Việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp để tập trung chuyển hóa thực hiện đúng quy trình, bám vào các chỉ tiêu, chỉ số của Đề án. Tỷ lệ địa bàn chuyển hóa đạt sau 3 năm chiếm 64,38% tổng số địa bàn lựa chọn. Phát huy kết quả đạt được trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, thời gian tới, Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

VH