Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học về hai dự án Luật bằng hình thức trực tuyến

146
Đánh giá bài viết

Ngày 14/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức các Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” theo hình thức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo, PGS.TS, Trung tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân cùng điều hành tham luận.

Dự Hội thảo, tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo Bộ Công an; lãnh đạo các Ban thuộc Trung ương Đảng; Đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban thuộc Quốc hội; Đại diện lãnh đạo các Bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài Chính; Bộ Lao động thương binh và Xã hội; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Quốc phòng; Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); Tổng cục đường bộ Việt Nam; Viện Chiến lược và phát triển giao thông; Đại học Giao thông vận tải; Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…;  và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an…

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Công an Quảng Bình có đại diện Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành có liên quan. Về phía Công an tỉnh có các đồng chí Phó giám đốc Công an tỉnh: Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Đại tá Lê Văn Hóa; đại diện chỉ huy công an các đơn vị, địa phương.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là các dự án luật rất quan trọng góp phần thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “… Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và Trung tướng Trần Vi Dân điều hành hội thảo.

Thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự đã khẳng định, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Giao thông là lĩnh vực lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự xã hội. Việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ thể chế đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; quy định đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan cả hai lĩnh vực này.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết. Từ những lý do nêu trên, để có thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tổ chức hai Hội thảo khoa học trực tuyến: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, cộng tác, phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, địa phương, Công an các đơn vị, địa phương, các nhà nghiên cứu khoa học có uy tín, cán bộ hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong và ngoài Công an nhân dân; với hàng trăm bài báo cáo khoa học có chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, đề cập toàn diện các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát huy vai trò chủ động tham gia của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập sẽ trung luận giải, làm sâu sắc các vấn đề như: phân tích, làm rõ sự cần thiết ; xây dựng các luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của hai dự án Luật. Từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và Công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm cần quan tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật trên trong thời gian tới.

BBT