Các chính sách trong thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá

208
Đánh giá bài viết

Cung cấp thêm thông tin về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức đã có chia sẻ cụ thể về nội dung của các chính sách áp dụng trong Nghị quyết này.

Theo thông tin từ cơ quan soạn thảo, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An Lê Xuân Đức.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức, dự thảo Nghị quyết gồm 07 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 chính sách. Cụ thể, chính sách 1 quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về chính sách 2, xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số.

Chính sách 3 quy định, trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.

Chính sách 4 quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm.

Chính sách 5 quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Thí điểm đấu giá biển số nền trắng với hình thức trực tuyến

Trên cơ sở các giải pháp được lựa chọn tại mỗi chính sách, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức cho biết, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị quyết với một số quy định riêng, khác với quy định của luật hiện hành áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ô tô trong thời gian 3 năm như sau:

Về biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an. Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến. Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên (Điều 2).

Theo Bộ Công an, việc xác định phạm vi này là cần thiết bởi theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là tài sản công phải được khai thác, quản lý hiệu quả. Hiện nay, kho số quản lý phương tiện giao thông có 5 loại hình gồm: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng không, hàng hải; trong đó, kho số quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm nhiều loại biển số: ô tô, ô tô chuyên dùng, mô tô,….và phân loại biển số theo màu, gồm: biển số nền màu xanh chữ và số màu trắng; biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen; biển số nền màu trắng, chữ vào số màu đen… Bộ Công an đã nghiên cứu, thấy rằng nếu triển khai cấp quyền lựa chọn biển số thông qua đấu giá tất cả các loại hình giao thông hoặc đấu giá tất cả các loại biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, Bộ Công an đề nghị chọn 01 loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen) thuộc kho số quản lý phương tiện ô tô trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan Công an dự kiến cấp mới cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để cấp quyền lựa chọn sử dụng thông qua đấu giá (theo cơ chế thị trường) để thực hiện trong giai đoạn thí điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Mặt khác, biển số ô tô là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc thù), biến số đưa ra đấu giá là biển số chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an nên khi tổ chức đấu giá phải kết nối hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an với trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá và đăng ký biển số trúng đấu giá. Do đó, trong thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết, để đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe khi kết nối, Bộ Công an đề xuất phương án lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá biển số bằng hình thức trực tuyến, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen).

Không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe, dự thảo Nghị quyết quy định:

Thứ nhất về quyền của người trúng đấu giá, được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; Được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; Khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe; trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Thứ hai về nghĩa vụ của người trúng đấu giá, cần nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá. Đặc biệt, không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).

Thứ ba về quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe, dự thảo Nghị quyết quy định được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Mức giá khởi điểm ở Hà Nội, thành phố HCM là 40 triệu đồng

Về giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, nguyên tắc xuyên suốt của Bộ Công an là không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, “kho số đặc biệt” hoặc “kho số đẹp”…. Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là “tài sản công đặc thù”, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó. Bộ Công an đề nghị xác định giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất hiện đang áp dụng tại địa phương (theo quy định Thông tư 229/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) nhân với hệ số để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, đồng thời căn cứ vào giá trị trung bình của 01 chiếc xe ô tô tại Việt Nam khoảng 800.000.000 đồng để tính % khi áp dụng giá khởi điểm (tương đương 2,5-5% giá trị xe ô tô). Việc quy định 02 mức giá khởi điểm căn cứ vào thực tiễn và quy định về thu lệ phí đăng ký xe từ nhiều năm nay (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy định mức thu lệ phí cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác). Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm.

Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định giá khởi điểm đấu giá biển số xe: Về nguyên tắc, giá khởi điểm chỉ là giá ban đầu để người tham gia đấu giá lấy làm cơ sở để trả giá. Giá trúng đấu giá sẽ do chính người tham gia đấu giá quyết định trả, tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Nhiều nước trên thế giới không có quy định về giá khởi điểm (một số bang của Mỹ, Anh…), giá khởi điểm có thể bắt đầu bằng 0 và những người tham gia sẽ trả đến khi nào không có ai trả giá nữa, đấu giá viên tuyên bố người trả giá cao nhất là người trúng đấu giá.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế đấu giá biển số ô tô theo hình thức “Đề án”; Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo, đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào dự thảo Đề án. Tuy nhiên, thực tiễn khi xây dựng Đề án có nhiều vấn đề vướng mắc, đặc biệt là khi xây dựng cơ chế đấu giá tài sản công, là loại tài sản đặc thù mang tính định tính, khó xác định về giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá nên Chính phủ cho phép Bộ Công an xây dựng cơ chế đấu giá theo hướng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Để đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên số là biển số ô tô, cần phải sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để Chính phủ có cơ sở pháp lý trong việc triển khai, thực hiện; Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, thành phần là các đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục và chuyên viên các Bộ: Nội vụ, Văn phòng chính phủ, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải; đồng thời, đã đăng tải Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Công an để lấy ý kiến của người dân; tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của 5 Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao và Giao thông vận tải) vào hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4./.

Dẫn nguồn (Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)