Cẩn thận với những ý kiến trên mạng xã hội về tình hình Nga – Ucraina

2925
Đánh giá bài viết

Sau thời gian xảy ra chiến sự Nga – Ukraine, thế giới đã và đang lo ngại cho một nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Cùng với sự căng thẳng của tình hình ngày một gia tăng, thì trên các diễn đàn, trang mạng xã hội các “chuyên gia mạng” đã và đang ra rả bình luận với nhiều “lý luận” được thu thập một cách cóp pết, nhặt nhạnh từ người này, sang người khác nhằm thể hiện sự hiểu biết của mình về chiến sự giữa Nga – Ukraine.

Trên mạng xã hội facebook đã hình thành các luồng ý kiến tranh luận giống như “người trong cuộc” vậy. Người ủng hộ Nga, kẻ ủng hộ Ukraine. Người ủng hộ Nga thì quay sang chửi bới, miệt thị Ukraine và ngược lại. Nhiều người còn thể hiện lập trường “trung lập” để bình luận, phân tích tình hình chiến sự đã đang xảy ra như một nhà “chính trị học” nửa vời,  trong lúc hàng ngày thì lên phây chém gió còn sai lỗi chính tả!.

Thực tế, những người này chưa hẳn đã hiểu hết hoặc hiểu sâu xa, hiểu đúng, hiểu đủ về tình hình của Nga – Ukraine và các bên can dự vào cuộc khủng hoảng. Những nhà bình luận “facebook học” thường đi cóp py, chia sẻ các bài viết, bình luận trên các diễn đàn, trang facebook của người khác, thậm chí sao chép từ các trang phản động, lưu vong nước ngoài nhằm thể hiện sự học sâu, hiểu rộng, ta đây nắm bắt tình hình chiến sự thế giới trong lòng bàn tay.

Nguy hại hơn, các nhà “facebook học” còn so sánh chiến sự Nga – Ukraine với cuộc chiến của nhân dân Việt Nam với cuộc diệt chủng của Khơ Me đỏ năm nào. So sánh chiến lược ngoại giao của Việt Nam với Ukraine, so sánh liên hệ Việt Nam, Trung Quốc… Họ đâu hiểu rằng, ngay chính họ đã bị hướng lái dư luận, hướng lái truyền thông, thông tin, hướng lái sự hiểu biết sang một chiều hướng khác… bởi những thông tin này là sự công kích có chủ ý của các đối tượng, trang mạng luôn mang hơi hướng kích động, diễn biến hòa bình đối với thể chế chính trị Việt Nam, gây mất tình hình an ninh chính trị của Việt Nam.

Là người Việt Nam, chúng ta nên nhớ câu tục ngữ: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Không a dua chạy theo những luồng thông tin trên mạng xã hội để từ đó quy chụp cho thể chế chính trị, chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước. Nhiều đối tượng cho rằng việc bỏ phiếu trắng của Việt Nam về cuộc chiến của Nga-Ukraine là vô cảm, là không có trách nhiệm. Xin thưa các nhà bình luận học facebook, phiếu trắng là như thế nào? Đó là câu trả lời: Chúng tôi “không muốn chiến tranh, nhưng chiến tranh là có thể xảy ra”.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine (Ảnh tư liệu)

Chúng ta là thành viên trong đại gia đình quốc tế. Những ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của thế giới thì sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Vì vậy, để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga – Ukraine phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam. Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có bài phát biểu thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam, đó là: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này…”.

Ban Biên tập