Cảnh báo tai nạn đuối nước mùa nắng nóng

1424
Đánh giá bài viết

Mới chỉ bước vào đầu hè năm 2021 nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân thường là trẻ nhỏ. Thực trạng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước mùa nắng nóng.

Đuối nước- nỗi đau còn đó

Thời gian qua, tình hình tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2020 và quý I năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 49 vụ đuối nước, làm chết 51 người, trong đó: Xảy ra trên biển 13 vụ; sông, suối 21 vụ; ao, hồ 15 vụ; số nạn nhân là học sinh, trẻ em 19 người tập trung nhiều tại địa bàn như: Bố Trạch (16 vụ), Lệ Thủy (10 vụ), Quảng Trạch (8 vụ). Đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5 năm 2021, tình trạng đuối nước trẻ em càng trở nên báo động khi các vụ đuối nước tăng đột biến. Điển hình vào trưa ngày 17/5, tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 2 cháu nhỏ -là chị em sinh đôi trong một gia đình. Nhân lúc bố mẹ không có ở nhà, 2 chị em rủ nhau ra trước nhà chơi không may bị rơi xuống ao nước dẫn tới đuối nước. Tiếp tục vào ngày  19/5, 3 cháu nhỏ là N.T.P.H. (SN 2016), N.V.H. (SN 2017, là chị em ruột, đều trú tại xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) và Đ.N.M.Q. (SN 2017, trú xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá). 3 cháu nhỏ trên vì được nghỉ học nên đã về nhà ông ngoại chơi tại thôn Tân Lực (xã Tân Thuỷ). Khi ông bà ngoại vắng nhà, 3 cháu đã hẹn nhau ra khu vực hồ cá sau nhà chơi để chơi nhưng không may cả 3 cháu bị rơi xuống hồ cá. Khi mọi người phát hiện thì cả 3 cháu đều đã tử vong. Do thời tiết nắng nóng, trưa ngày 28/5, nhóm 4 học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn cùng nhau tắm ở Sông Gianh, đoạn khu vực đất mới bờ Nam thôn Văn Phú. Sau khi tắm xong, em Hoàng Thị H.T do dép rơi xuống nước, em cố với theo nhưng không may bị trượt chân xuống dòng nước xoáy, thi thể em T được tìm thấy cách địa điểm xảy ra tai nạn hơn 2km, ở Thôn Giáp Tam, xã Quảng Minh. Những vụ đuối nước nói trên đã để lại nỗi đau khôn nguôi, sự day dứt, ám ảnh cho gia đình các nạn nhân, nỗi xót xa cho toàn xã hội.

Những vụ đuối nước thương tâm xảy ra từ sự chủ quan.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước còn thấp. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn… một phần cũng vì chưa có sự giám sát của gia đình, nhà trường, xã hội .

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn.

Một nguyên nhân quan trọng nữa xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, hồ… trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát… rất nguy hiểm.

Ngoài ra, phải kể đến thực trạng đuối nước cả nhóm, đó là khi các em tự cứu lẫn nhau. Do các em chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, thậm chí là không biết bơi cũng lao ra cứu bạn dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị đuối nước tăng lên.

Lực lượng Công an chủ động vào cuộc phòng chống đuối nước.

Dự báo tình hình đuối nước trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; khách du lịch trong và ngoài tỉnh sẽ tập trung đông ở các bãi tắm biển, sông, suối, khu vui chơi dưới nước; thói quen tắm sông, suối, ao, hồ của trẻ em vùng nông thôn…Bên cạnh đó, công tác quản lý các bến sông, phương tiện giao thông đường thủy, công tác cứu nạn, cứu hộ chưa chuyên nghiệp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và số người chết do tai nạn đuối nước gây ra, Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các lực lượng vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá lại tình hình tại các địa bàn, bãi tắm ven biển, các tuyến sông trọng điểm thường xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời tham mưu, kiến nghị UBND, Ban An toàn giao thông các cấp, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý; bảo đảm đầy đủ các hệ thống báo hiệu, biển báo nguy hiểm, đội cứu hộ, cứu nạn tại các địa điểm đã được khai thác làm bãi tắm biển, khu vui chơi, giải trí dưới nước; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các địa điểm, cơ sở tự phát, mất an toàn. Phối hợp với các ngành, địa phương tích cực tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đuối nước đối đối với các bãi tắm biển, bến sông, các khu vui chơi, giải trí dưới nước, các phương tiện giao thông đường thủy, tập trung vào các tuyến, địa bàn thường xảy ra tai nạn đuối nước; kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị các biện pháp giải quyết dứt điểm các trường hợp, cơ sở, địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh tiếp tục chủ động triển khai thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan tai nạn đuối nước theo chức năng. Phối hợp với các đơn vị liên quant ham mưu lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện, nâng cao kỹ năng chuyên sâu về cứu nạn, cứu hộ đối với các trường hợp đuối nước cho Công an cấp huyện, cấp xã; tổ chức thực tập, diễn tập các phương án cứu nạn, cứu hộ trên sông, suối, trong điều kiện mưa lũ…

Đại úy Phạm Ngọc Thắng – Phó trưởng Công an xã Hải Ninh cứu sống người bị đuối nước.

Đối với Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai đồng bộ các biên pháp phòng, chống đuối nước trên địa bàn. Trong đó tập trung tham mưu quản lý tốt các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước, các bãi tắm; bảo đảm các cơ sở đủ điều kiện theo quy định mới được phép hoạt động. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước, nhất là tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, các địa bàn tập trung nhiều sông, suối, ao, hồ; chú ý việc huy động lực lượng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ tự quản ở cơ sở cùng tham gia phối hợp tuyên truyền; phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trên hệ thống phát thanh tại các thôn, bản, tổ dân phố. Lực lượng Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với phòng Cảnh sát giao thông, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra các bãi tắm biển, bến sông, phương tiện giao thông đường thủy, khu vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn. Hướng dẫn Công an các xã, phường thị trấn thường xuyên rà soát, kiểm tra các sông, suối, ao, hồ có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp tuyên truyền, vận động, đặc biệt là trẻ em, học sinh nhằm phòng ngừa tai nạn đuối nước xảy ra.

 

BBT