Cảnh giác thủ đoạn dẫn dụ truy cập vào đường link, trang web lạ và những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

9394
Đánh giá bài viết

Điển hình là vào ngày 26/12/2021, tài khoản facebook “Thanh Thủy” nhắn tin vào facebook cá nhân dùng để bán hàng của chị Võ Thị Thúy, trú tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch để đặt mua hàng mỹ phẩm và yêu cầu chị Thúy chuyển hàng về địa chỉ tại Vũng Tàu với số tiền thanh toán là 540.000 đồng. Ngày 27/12/2021, facebook “Thanh Thủy” nhắn tin cho chị Thủy là đã chuyển tiền và gửi gửi hình ảnh đã chuyển tiền thành công.

Chị Võ Thị Thúy chỉ vì chủ quan, mất cảnh giác khi kích vào web lạ và nhập thông tin cá nhân để đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt 100 triệu đồng từ tài khoản cá nhân của mình.

Khi chị Thúy thấy tiền chưa được chuyển vào tài khoản thì đối tượng này yêu cầu chị Thúy truy cập vào đường link mà đối tượng gửi qua máy điện thoại để kiểm tra tiền đã vào tài khoản hay chưa. Do không nhận thức được hành vi của đối tượng nên chị đã truy cập vào đường link và xuất hiện một website yêu cầu nhập thông tin như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP…. Chị Võ Thị Thúy kể lại: Khi vừa nhận đường link lạ thì có một người khác trực tiếp gọi đến hướng dẫn tôi thực hiện một số thao tác; khi đã thực hiện xong các thao tác theo hướng dẫn thì phát hiện trong tài khoản cá nhân của mình bị trừ 100 triệu đồng.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và nhu cầu, hoạt động của người dân trên không gian mạng lớn, nên tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có sự gia tăng đột biến về số lượng, hình thức, quy mô, tính chất; xâm hại lợi ích về tiền bạc, vật chất của nhiều nạn nhân, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 23 tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến ANTT và đời sống của Nhân dân.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo thì ngày một tinh vi, nhất là khi mà thông tin của người dùng mạng xã hội, thông tin cá nhân được các đối tượng xấu thu thập, đánh cắp nhằm phục vụ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, vào tháng 12/2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình đã triệt phá thành công chuyên án chuyên thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng, liên quan đến 15 đối tượng tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hà Tĩnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Hoàng Trung Thương, đối tượng trong chuyên án thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn – Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Người dân bị thu thập thông tin bằng các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm, điển hình như việc bị sử dụng thông tin để xâm nhập trái phép tài khoản ngân hàng, từ đó người dân bị chiếm đoạt tài sản; thông tin bị mua bán tại các diễn đàn, hội, nhóm ngầm trên internet phục vụ cho các mục đích xấu; thông tin được sử dụng để làm giả CMND, CCCD hoặc các loại giấy tờ hành chính khác để thực hiện hành vi đăng ký tài khoản của các tổ chức tín dụng như ngân hàng, tài chính làm thanh khoản cho mục đích phạm tội; thông tin bị sử dụng trái phép trên internet, bị đe dọa, tống tiền, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến uy tín, cuộc sống của người dân.

Thủ đoạn chính của các đối tượng vẫn là giả danh cán bộ Nhà nước, ngân hàng rồi gọi điện thông báo nạn nhân có các khoản phí, nợ chưa thanh toán, liên quan đến hoạt động tội phạm từ đó khống chế, đe dọa, gây sức ép để yêu cầu nạn nhân cài ứng dụng có chứa mã độc để kiểm soát thiết bị, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển tiền với lý do chứng minh sự trong sạch, trong sạch của nguồn tiền từ đó chúng chiếm đoạt. Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo đã đánh vào lòng tham, trắc ẩn và thiếu hiểu biết về công nghệ của nạn nhân để lừa đảo. Điển hình là việc nhắn tin nhận quà, gói hỗ trợ Covid-19..v.v.. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn người dân truy cập vào các đường link, trang web nhằm đánh cắp thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn – Trưởng Phòng PA05, Công an tỉnh Quảng Bình cho rằng nhiều người dân còn rất chủ quan, mất cảnh giác khiến các đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho hay, để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chú ý đến đường dẫn của trang web, tên ứng dụng mà mình truy cập, bảo đảm truy cập đúng địa chỉ của các tổ chức tín dụng mà mình sử dụng. Phải nhớ thật rõ địa chỉ đường dẫn của tổ chức tín dụng để có sự so sánh, đối chiếu, hoặc chỉ sử dụng các ứng dựng di động do tổ chức tín dụng cung cấp để thực hiện giao dịch. Và quan trọng hơn, không có cá nhân, tổ chức nào chuyển tiền cho người dân mà bắt người dân phải đăng nhập tài khoản, cung cấp mật khẩu và mã OTP cho họ.

Ngoài ra, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là chiếm đoạt tài khoản của những người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp, các đối tượng hack các tài khoản Facebook, Zalo của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài rồi giả danh chủ tài khoản nhắn tin về cho người thân, nhờ chuyển khoản gấp… Đây là những thủ đoạn không hề mới, tuy nhiên vì người dân hết sức chủ quan, mất cảnh giác để đối tượng lợi dụng để hoạt động.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng PA05, Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra hệ thống bảo mật, cảnh báo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo khuyến cáo của Phòng PA05, Công an tỉnh thì người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là Công an, Viện Kiểm sát, cán bộ các cơ quan nhà nước, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, điều tra vụ án hoặc khởi tố bắt tạm giam, yêu cầu chuyển tiền để điều tra qua điện thoại. Tuyệt đối không chụp ảnh và cung cấp các thông tin như họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng gửi về cho người không quen biết qua mạng internet. Không tham gia bình chọn tài năng nhí, hình ảnh đẹp… có yêu cầu đăng nhập Facebook, Zalo, tài khoản ngân hàng…

Không giao dịch tài sản qua mạng với những người không biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận được yêu cầu mượn tiền của người thân qua mạng xã hội Facebook, Zalo… cần phải gọi điện thoại để xác nhận. Khi nhận các cuộc gọi có mã vùng quốc tế +0084, +0068, +021, +028… cần rà soát các mối quan hệ ở nước ngoài để kiểm chứng. Không nghe lời yêu cầu, dụ dỗ của các đối tượng trên mạng xã hội cài đặt các ứng dụng (app) trên điện thoại để vay tiền trực tuyến. Cảnh giác trước lời mời của những người không quen biết tham gia đầu tư kinh doanh, kiếm tiền qua mạng trên các sàn chứng khoán, sàn ngoại hối, sàn tiền ảo…

Khi gặp phải trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội, internet người dân cần bình tĩnh, việc làm đầu tiên là nhanh chóng thay đổi mật khẩu các tài khoản ngân hàng của mình, thông báo đến dịch vụ hỗ trợ của ngân hàng mà mình sử dụng. Sau đó, sao chụp, tập hợp các tài liệu, chứng cứ có thể chứng minh mình bị lừa, đến ngay cơ quan Công an trình báo để được hướng dẫn cụ thể cách giải quyết.

Trần Tuấn