Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo dự án “an sinh xã hội”

261
Đánh giá bài viết

Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phát đi thông báo về việc người dân, chính quyền địa phương cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tự xưng các tổ chức quốc tế tài trợ các dự án “an sinh xã hội” với mục đích lừa đảo…

heo Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, một số đối tượng tự xưng là “đặc phái viên”, “thành viên tổ công tác đặc biệt”, “cán bộ liên thông”… của cái gọi là “Hội đoàn xử lý Tài chính Di sản Lịch sử Quốc tế US – Việt Nam – UN – NGO”, đã đến địa bàn một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để giới thiệu tài trợ về các dự án “an sinh xã hội” nhằm mục đích lừa đảo.

Các đối tượng này thường sử dụng giấy giới thiệu của “Công ty CP tập đoàn đầu tư y tế Trung Việt” đến liên hệ làm việc với nhiều địa phương đề nghị tiếp nhận nguồn tài trợ của “Hội đoàn xử lý Tài chính Di sản Lịch sử Quốc tế US – Việt Nam – UN – NGO”, với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD.

Trên thực tế, cái được gọi là “Hội đoàn xử lý Tài chính Di sản Lịch sử Quốc tế US – Việt Nam – UN – NGO” do Lê Nguyên Thành thành lập, là tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, đã được Bộ Công an cảnh báo trên báo CAND điện tử và nhiều tờ báo chính thống khác.

Giấy giới thiệu mà nhóm đối tượng thường sử dụng để tiếp cận chính quyền, địa phương nhằm mục đích lừa đảo.

Thời gian qua, Lê Nguyên Thành cùng các đối tượng khác đã sử dụng nhiều pháp nhân của một số công ty như: “Công ty CP Di sản quốc tế Thành Ngọc”, “Công ty CP quốc tế Hồ Tràm”, “Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm”, “Công ty CP tập đoàn đầu tư y tế Trung Việt” để lập nhiều bộ “hồ sơ”, “tờ trình” liên hệ nhiều địa phương trên cả nước đề nghị tiếp nhận nguồn vốn của “Hội đoàn xử lý Tài chính Di sản Lịch sử Quốc tế US – Việt Nam – UN – NGO”. Đáng chú ý, Lê Nguyên Thành còn sử dụng trang Facebook “Đặc khu kinh tế – biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa” đăng tải các thông tin không có thật là các “tờ trình”, “đơn đề nghị” liên quan đến “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế”, có thể gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một số dấu hiệu lừa đảo trên địa bàn tỉnh. Tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, các đối tượng này đã liên hệ, hứa hẹn sẽ “tài trợ” xây dựng “tuyến đường giao thông quy mô 10km, kết hợp đầu tư 60ha xây dựng quần thể du lịch văn hóa bản sắc huyền thoại Tây Nguyên, xây dựng viện dưỡng lão và quần thể tâm linh Tượng Phật Chùa Long Thọ cơ sở 2, tổng trị giá 195 triệu USD”. Tại huyện Krông Năng, các đối tượng rêu rao về dự án an sinh xã hội không hoàn lại “trồng cây dược liệu, cây mắc ca tại HTX Ea Dah, xã Cư Klông trị giá 25 triệu USD”. Tại TP Buôn Ma Thuột là gói tài trợ “20 triệu USD xây dựng văn phòng điều hành dự án Công ty CP Tập đoàn đầu tư y tế Trung Việt và văn phòng Hội đoàn tài chính cơ sở 1”…

Đáng chú ý, vào ngày 6/2/2023 vừa qua, 2 đối tượng Trần Minh Tuấn và Nguyễn Chánh Mạnh tự xưng là “cán bộ liên thông” của “Hội đoàn xử lý Tài chính quốc tế – Hoa Kỳ – Việt Nam” đề nghị được làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về “các dự án an sinh xã hội của tỉnh đã được Hội đoàn xử lý tài chính Quốc tế – Hoa Kỳ – Việt Nam phê duyệt”.

Những bộ hồ sơ giả mạo, không rõ ràng của nhóm đối tượng dùng để tiếp cận, lừa đảo.

Theo cảnh báo của Phòng An ninh đối ngoại Công an Đắk Lắk, thủ đoạn của nhóm đối tượng này là lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để tham gia thành lập, đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp với số vốn điều lệ rất lớn lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều không có hoạt động thực tế, không xác định được nơi cư trú của “chủ doanh nghiệp” và cũng không liên lạc được với số điện thoại đăng ký. Các đối tượng đứng tên thành lập, hay đại diện cho các doanh nghiệp, hoặc bằng nhiều cách để có tên trong danh sách sáng lập viên của các doanh nghiệp khác nhau, được bổ nhiệm giữ các chức vụ phụ trách về tài chính, được ủy quyền để tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài…

Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong việc phát hành các văn bản tiếp nhận, trả lời của các cơ quan chức năng để lấy mẫu dấu, chữ ký, sửa chữa nội dung hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để giới thiệu, chào mời các cá nhân, doanh nghiệp trong nước về các nguồn vốn vay lớn, lãi suất thấp, tài trợ cho các dự án về an sinh xã hội, môi trường. Bên cạnh đó là câu kết, móc nối với các cá nhân mạo danh là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài không có thật vào Việt Nam hoặc mời, đề nghị các cá nhân, tổ chức trong nước cùng ra nước ngoài tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tạo niềm tin để thực hiện mục đích lừa đảo.

Các đối tượng này cũng lợi dụng sự khó khăn về nguồn vốn, thiếu hiểu biết và lòng tham của một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp hoặc lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để gửi các “tờ trình”, “đơn đề nghị” tiếp nhận vốn ủy thác của các quỹ nhân đạo, quỹ đầu tư, quỹ tài chính quốc tế… có trụ sở tại nước ngoài. Các quỹ này đều không có thật hoặc có rất ít thông tin liên quan đến hoạt động; đại diện các quỹ thậm chí đang bị cơ quan chức năng nước sở tại truy thu thuế, thu hồi giấy phép.

Những luận điệu xuyên tạc của một số đối tượng sử dụng trên trang Facebook cá nhận để nhằm mục đích nói sai sự thật về Việt Nam.

Chúng lập “khống” các hồ sơ tiếp nhận vốn nước ngoài bằng cách nêu chung chung mục đích đầu tư cho các dự án kinh tế, dự án an sinh xã hội. Trong đó, có các dự án mới được đồng ý về mặt chủ trương, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép hoặc lên mạng Internet lấy thông tin, hình ảnh của các dự án để đưa vào hồ sơ, gồm cả những dự án lớn của Chính phủ như: dự án cao tốc Bắc – Nam, các dự án xây dựng bệnh viện, trường học…

Bằng nhiều cách thức, các đối tượng tìm cách tiếp xúc, quan hệ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương (đương chức, nghỉ hưu), người có uy tín, chức vụ để nhờ cậy, tác động, tạo sức ép với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương. Sau khi đã tiếp cận, tạo lòng tin, các đối tượng thường yêu cầu cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận, vay vốn chi trả các khoản chi phí (đi lại, giao dịch, làm thủ tục, mời chuyên gia nước ngoài thẩm định dự án…), tiền đặt cọc, tiền góp vốn, nếu có nhu cầu xem các giấy tờ có liên quan đến nguồn tiền thì phải “chi phí” để kết nối với các cấp lãnh đạo, cơ quan nhà nước đang nắm giữ với lý do tài liệu “mật” và tìm cách chiếm đoạt…

Theo Trung tá Vũ Xuân Dũng (Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an Đắk Lắk), trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương không bố trí tiếp, làm việc với các cá nhân thuộc “Hội đoàn xử lý Tài chính quốc tế Hoa Kỳ – Việt Nam” tránh để các đối tượng lợi dụng hình ảnh tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật; Không tiếp nhận các hoạt động “tài trợ” hoặc “dự án” có dấu hiệu nghi vấn như: tên tổ chức không rõ ràng, không có địa chỉ trụ sở, hồ sơ chung chung, sơ sài với số vốn “bất thường”…

Các đơn vị, địa phương, người dân cần chấp hành nghiêm Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, ngày 8/7/2020 của Chính phủ và Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND, ngày 25/1/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk trong quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại, không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Khi phát hiện các đối tượng có thủ đoạn, dấu hiệu nêu trên, các cơ quan, tổ chức và người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, kịp thời báo tin với lực lượng Công an gần nhất để có hướng dẫn cụ thể.

Theo V.Thành-Đ.Toản

Cand Online