Cảnh giác với tội phạm bắt cóc trẻ em

919
Đánh giá bài viết

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng tải thông tin một số vụ trẻ em bị mất tích, bắt cóc, thậm chí có những vụ bắt cóc rồi giết trẻ em ngay tại địa phương cư trú (tại Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh .v.v.). Tại tỉnh Quảng Bình, tính từ năm 2016 đến nay tuy chưa xảy ra tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em nhưng công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cần phải được chú trọng, nâng cao trong toàn xã hội.

 

Một đặc điểm chung của các vụ bắt cóc trẻ em là phần lớn đối tượng không có ý định chiếm đoạt đứa trẻ mà là chiếm đoạt vật chất, tiền chuộc từ gia đình. Do đó, đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn bao gồm: Thăm dò, nghiên cứu, tìm hiểu những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế và đang có con nhỏ; nghiên cứu quy luật sinh hoạt của những người lớn trong gia đình; nghiên cứu quy luật sinh hoạt, học tập của những đứa trẻ trong gia đình để tìm ra những sơ hở của người lớn trong việc quản lý trẻ nhỏ nhằm thực hiện hành vi bắt cóc. Các thủ đoạn được áp dụng thường là: Bí mật theo dõi, giám sát đứa trẻ trong lúc trẻ nhỏ chơi đùa tại công viên, trường học, trước cửa nhà… Khi nhận thấy sự xao lãng của người lớn trong việc quản lý, trông coi trẻ nhỏ, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc. Mua chuộc, dụ dỗ trẻ nhỏ. Nếu đứa trẻ nghe theo lời đối tượng, đi tới một địa điểm có khoảng cách xa so với tầm quản lý của người lớn, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc.

 

Ảnh minh họa

Tại tỉnh Quảng Bình, vào ngày 03/7/2017 xảy ra vụ cháu Trần Trung N (SN 2011) ở tổ dân phố Trường Sơn, Phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn bị giết tại địa phương, dư luận ban đầu cho rằng cháu N đã bị bắt cóc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Từ đó, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng khi thấy xuất hiện người lạ đến các thôn, xóm, làng, bản, tiếp cận trẻ em hoặc vào nhà dân có trẻ em thì hô hoán, kích động tụ tập đông người, đánh đập gây thương tích, bắt giữ trái phép và hủy hoại tài sản của những người bị nghi vấn bắt cóc trẻ em.

Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên cần thiết phải nâng cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa và cách ứng xử khi có hành vị bắt cóc hoặc xâm hại trẻ em; kỹ năng nhận diện tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa; trọng tâm là tại các khu vực công cộng có nhiều trẻ em vui chơi, các trường mầm non, trường tiểu học hoặc trẻ em ở những vùng nông thôn, vùng núi thưa dân cư, nơi hẻo lánh. Các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đảm bảo thận trọng, khách quan trong việc đưa các tin, bài về vụ việc trẻ em bị mất tích, bị bắt cóc. Qua đó, góp phần định hướng dư luận, tránh gây hoang mang, bức xúc, cảnh giác thái quá dẫn đến có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập, hành hung những người bị nghi vấn là tội phạm. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là thông qua những người cao tuổi, người có uy tín trong các dòng họ, các già làng, trưởng bản cùng tham gia tuyên truyền, nhằm chấm dứt tình trạng “tự giải quyết” trái pháp luật trong nhân dân. Đối với những địa phương để xảy ra vụ việc người dân bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản của người bị nghi vấn phạm tội, cần nhanh chóng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, xử lý công khai. Qua đó, tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đồng thời răn đe cảnh báo những đối tượng có ý đồ lợi dụng để kích động, gây rối an ninh, trật tự. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn người dân có hành vi bắt giữ trái phép, đánh người gây thương tích và hủy hoại tài sản đối với những người bị nghi vấn phạm tội.

 

                                                          Thùy Trang