Cấp thẻ CCCD tại xã biên giới Thượng Trạch

268
Đánh giá bài viết

Chặng đường gần 150km đèo dốc, hiểm trở dường như ngắn lại, bởi với tâm trạng háo hức của tổ công tác cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động phối hợp giữa đơn vị Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64), Công an tỉnh và Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình trong chuyến hành trình về giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc vùng biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Xã Thượng Trạch nằm phía Tây huyện Bố Trạch. Để đến được với xã vùng cao biên giới này, chúng tôi theo con đường độc đạo mang tên đường 20 – Quyết Thắng, huyết mạch trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử và là con đường nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, góp phần to lớn để giành thắng lợi trên mặt trận giao thông, vận tải đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi núi thẳm, đèo dốc này là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Ma Coong thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, Arem, Sách, Mày… Họ sống biệt lập và ít có sự giao lưu bên ngoài, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây gắn với núi rừng nên đặc biệt khó khăn. Như lời của Đại tá Trần Minh Thùy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình khẳng định “Dẫu có nghèo, có khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ và sinh sống từ bao đời nay. Chính họ là những chiến sỹ nơi biên cương của Tổ quốc. Giúp họ có được tấm thẻ CCCD, cuốn sổ hộ khẩu…. chính là làm cho họ hiểu trách nhiệm, cũng như gửi gắm niềm tin ở họ ở nơi vùng biên. Điều này để tiếp tục khẳng định rằng việc Đảng, Nhà nước ta luôn có những chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới có cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát cái đói nghèo, bệnh tật là chủ trương hết sức đúng đắn”.

Đã có khá đông người dân chờ đợi tại UBND xã Thượng Trạch khi tổ công tác cấp thẻ CCCD vừa đến.

Đây không phải lần đầu các chiến sỹ Công an về cơ sở để làm thủ tục cấp CMND, thẻ căn cước công dân và hộ khẩu cho người dân, nhưng điều đặc biệt trong chuyến đi này là mang theo một sự đồng cảm với người dân ở vùng biên giới. Mang theo những chia sẽ này mà mỗi thành viên trong đoàn dường như chẳng ngại những khó khăn với nơi sẽ đặt chân đến. Cũng vì thế mà khi vừa bước chân xuống trụ sở xã, việc đầu tiên mà Đại úy Nguyễn Văn Tình – Cán bộ Phòng PC64, Công an tỉnh làm đầu tiên là liên hệ ngay chỗ để tiếp công dân và lắp đặt thiết bị. Đại úy Tình chia sẽ “Dọc con đường đến UBND xã chúng tôi đã thấy không ít bà con ven theo những con đường nhỏ tập trung về, còn tại trụ sở xã khi xe chúng tôi vừa tới cũng đã thấy rất đông người dân tập trung chờ đợi. Để đến được đây chúng tôi biết nhiều bà con phải đi cả ngày đường và họ cũng chưa hiểu là việc cần thiết của tấm thẻ căn cước công dân như thế nào. Thấy những hình ảnh đó làm chúng tôi thấy thật xúc động và quên đi mệt mỏi của chặng đường dài”.

Khi vừa đặt chân đến UBND xã Thượng Trạch tổ công tác đã bắt tay ngày vào công việc chuẩn bị máy móc để làm việc.

Tiết trời tháng 6 với cái nắng gắt, trong điều kiện không có điện lưới nên phải nhờ đến máy nổ của UBND xã, còn người dân thì tập trung đến càng đông. Không ai bảo ai lời nào, tổ công tác chỉ với 5 cán bộ bắt tay ngay vào công việc. Phía bên ngoài, 2 dãy bàn được UBND xã bố trí cán bộ viết tờ khai cho người dân, bởi hơn 90% người dân ở đây đều không biết chữ. Bên trong cán bộ tiếp nhận và giải quyết cho mỗi trường hợp cấp mới CCCD và làm thủ tục cấp đổi chỉ trong vòng 5 phút.

Lấy dấu vân tay bằng máy.

 

Do bà con tập trung quá đông, với sự sắp xếp và giải thích của Thiếu tá Bùi Xuân Việt – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Bố Trạch ưu tiên cho người ở bản xa. Điều lạ là người dân trở nên trật tự và có ý thức hơn, những người như anh Đinh Tiếng, người dân tộc Bru – Vân Kiều, ở bản AKy đã không khỏi xúc động chia sẻ “Bản mình cách trụ sở xã gần 100 cây số, đến được đây mình nấu ăn và đi từ sớm. Đến rồi mà đông quá, không biết chờ đến lúc mô. Cán bộ nói ưu tiên vùng xa, mình mừng lắm. Cảm ơn cán bộ giúp mình, cho mình cái giấy từ để còn đi làm ăn nơi xa”.

Đinh Tiếng, dân tộc Bru – Vân Kiều, ở bản AKy cách trụ sở xã gần 100 km, nhờ sự bố trí hợp lý nên anh không phải chờ lâu để làm thẻ CCCD.

Còn đối với ông Hồ Đang (88 tuổi, dân tộc Bru – Vân Kiều), lại là một trường hợp khá đặc biệt. Bị thương tật ở chân, phải chống nạng và không phải đợi lâu, ông Hồ Đang đã được cán bộ hoàn tất các thủ tục. “Bà con cần lắm, có được tấm giấy này mới đi khám bệnh được, rồi nhận được hỗ trợ của Nhà nước, đi lại cũng tiện nữa”, ông Hồ Đang phấn khỏi nói.

Ông Hồ Đang, 88 tuổi, dân tộc Bru – Vân Kiều hết sức phấn khởi vì được cán bộ đến tận địa phương để làm thủ tục cấp thẻ CCCD

Được cán bộ giải thích, giờ đây với họ tấm thẻ CCCD hay cuốn sổ hộ khẩu có giá trị đến dường nào. Bởi nhu cầu vay vốn sản xuất, nhu cầu đi lại, giao dịch và học tập của người dân nơi đây hết sức cần thiết. Cái được từ lợi ích thiết thực của người dân được nhận thức, được chia sẻ và được sự giúp đỡ tận tình của những cán bộ Phòng PC64, Công an tỉnh và Công an huyện Bố Trạch cũng khiến tổ công tác gấp rút hơn. Thiếu tá Bùi Xuân Việt tâm sự “Đời sống người dân còn vất vả lắm, họ sống biệt lập cho nên giấy tờ tùy thân trong suy nghĩ của họ chưa thật cần thiết. Vừa giúp đồng bào chúng tôi cũng có dịp nối được cầu nối với đồng bào nghèo vùng biên giới, chia sẽ cuộc sống còn rất vất vả với họ”.

Thiếu tá Bùi Xuân Việt – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Bố Trạch hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục cấp thẻ CCCD.

Dù đã quá trưa, người dân vẫn tập trung đông. Quyết không để bà con chờ và cứ thế mà công việc kéo dài đến hơn 12h và chỉ sau 30 ăn trưa tại chỗ, tổ công tác tiếp tục bắt tay ngay vào việc. Đại úy Phạm Văn Đông – Phòng PC64, Công an tỉnh chia sẽ “Do trình độ dân trí, tiếng nói cũng như cách phát âm tên của họ rất khó nghe, khó viết; bên cạnh đó họ đều không biết chữ nên cán bộ đều phải làm giúp. Trong khi đó mọi thông tin đều lại phải nhập lại bằng máy tình, vì thế tiến độ theo đó mà chậm hơn”. Cũng không vì thế mà làm nản lòng những cán bộ phục vụ, dù trong thời điểm nắng nóng. Kết thúc của ngày đầu tiên đã hoàn thành gần 100 hồ sơ cấp mới, cấp đổi thẻ CCCD, đây được xem là “kỷ lục” của những lần đi công tác tại địa bàn cơ sở.

Sau 2 ngày, tổ cấp CCCD lưu động đã tiến hành thực hiện hơn 200 bộ hồ sơ thực hiện cấp mới, cấp đổi thẻ CCCD và hướng dẫn hàng chục trường hợp vướng mắc về hộ khẩu, những sai lệch về thông tin thẻ CCCD và hộ khẩu. Ông Nguyễn Trường Chinh – Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Với xã vùng cao biên giới nơi đây, do đặc thù nên cuộc sống của người dân còn rất khó khăn. Việc đưa những giấy tờ cá nhân như thẻ căn cước công dân, hộ khẩu là góp phần giúp họ nhận được những chế độ chính sách của Nhà nước, có đầy đủ điều kiện để vay vốn sản xuất, đi lao động và nâng cao nhận thức của người dân thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Hiện nay, nhu cầu của người dân được cấp thẻ căn cước công dân vẫn còn khá lớn, vì điều kiện bà con chưa tập trung đầy đủ nên mong muốn lãnh đạo các cấp tiếp tục tạo điều kiện để giúp đỡ người dân nơi đây”. Trung úy Lê Thế Nam – Phó đội trưởng Đội CMND, Phòng PC64, Công an tỉnh cho biết “Công việc cấp thẻ CCCD và hộ khẩu tại trụ sở đơn vị vốn dĩ luôn quá tải do nhu cầu của người dân cũng như yêu cầu nghiệp vụ. Vì vậy, để có được những chuyến đi về tận cơ sở như thế này là một sự sắp xếp chu đáo và đòi hỏi có sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền địa phương thì công việc của chúng tôi mới mang lại được hiệu quả. Những chuyến công tác tại địa bàn cơ sở như thế này để chúng tôi hiểu hơn và mong muốn góp sức mình giúp đồng bào dân tộc vùng biên giới có được những giây tờ cá nhân cần thiết, chia sẽ cuộc sống khó khăn của họ”.

Dù thời tiết nắng nóng, tuy nhiên tổ cấp thẻ CCCD lưu động đã tiến hành làm thủ tục cấp mới, cấp đổi cho hơn 200 trường hợp.

Hành trình về với người dân và những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa vẫn đang được những chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình thực hiện hàng ngày và cuốn sổ vàng “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân” tiếp tục được viết thêm nhiều trang mới, viết tiếp chiến công của lực lượng Công an Quảng Bình trong công tác bảo vệ ANTT, vì hạnh phúc của nhân dân và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

                                                                                     Trần Tuấn