CBCS Công an Quảng Bình – Nói không với thuốc lá

998
Đánh giá bài viết

Thực hiện Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá; hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5; Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến ngày 31/5) hàng năm, Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hưởng ứng với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.

Xác định việc xây dựng môi trường công sở không khói thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, hàng năm, Công an các đơn vi, địa phương sớm thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Kiểm tra nghiêm túc việc chấp hành của CBCS trong đơn vị. Đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đoàn thể, lấy nội dung này làm tiêu chuẩn để đánh giá, bình xét thi đua hàng năm của CBCS. Phát huy vao trò gương mẫu của người đứng đầu, Cấp ủy Đảng, ban chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương về thực hiện tốt các quy định của Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn Luật. Cùng với đó, Công an các đơn vị, địa phương đã phát động phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở trong toàn thể CBCS, CNV. Lồng ghép đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở cán bộ không hút thuốc lá nơi công sở và khu vực có quy định cấm theo Luật PCTH thuốc lá bằng nhiều hình thức. Gắn biển, panô, áp phích “Công an Quảng Bình nói không với thuốc lá”; “Vì môi trường sống, vì sức khỏe cộng động, cán bộ chiến sĩ nói không với thuốc lá”. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vứt vương vãi tàn thuốc khắp nơi, gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường công tác chung.

 

Nhiều tranh, ảnh tuyên truyền truyền hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá và Tuàn lễ quốc gia không hút thuốc lá được treo tại phòng làm việc của Công an các đơn vị, địa phương.

 

Với vai trò là lực lượng nồng cốt, đi đầu trong thực hiện phong trào, 100% các cơ sở Đoàn trong Công an tỉnh đã triển khai, xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình “Tuổi trẻ nói không với thuốc lá”; “Chi đoàn không khói thuốc”; “Công sở không khói thuốc lá”…và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến ngày 31/5) hàng năm. Trọng tâm là tổ chức sinh hoạt chính trị định kỳ lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH thuốc lá, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, gây ô nhiễm môi trường và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng dân cư. Phát động phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, tổ chức cho 100% đoàn viên thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá nơi công sở và khu vực có quy định cấm theo Luật PCTH thuốc lá. Ở mỗi chi đoàn đều thành lập tổ kiểm tra, nếu phát hiện đoàn viên chưa nghiêm túc thực hiện sẽ  nhắc nhở trước hội nghị, trường hợp vi phạm nhiều lần sẽ có hình thức xử lý. Những ĐVTN từ bỏ thuốc lá thành công, chi đoàn có hình thức tuyên dương khen thưởng trước tập thể để giáo dục ý thức chung trong CBCS và đoàn viên thanh niên. Kết quả thực hiện phong trào là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức Đoàn và đoàn viên hàng năm.

 

Chi đoàn phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động duy trì có hiệu quả mô hình “Đoàn viên thanh niên nói không với thuốc lá”.

 

Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực đã giúp cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên trong Công an Quảng Bình nâng cao được nhận thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các nội quy, quy chế không hút thuốc lá tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Trên 80% đoàn viên, thanh niên đã bỏ được thuốc lá và trở thành những tuyên truyền viên tích cực, giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cai nghiện thuốc lá thành công, góp phần xây dựng môi trường công sở văn minh, lành mạnh và tạo sức lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng.

 

 

 

 

 

 

Những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

  Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua Ngày 18 tháng 6 năm 2012 bao gồm 5 chương và 35 điều và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013, dưới đây là một số nội dung cơ bản .

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá là:  Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;  Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá (Điều  6)

 Về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong luật là:  Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá;  Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá;  Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm;  Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;  Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

 Quy định địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:  Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục;  Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:  Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp nêu trên.

Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Bên cạnh đó Luật còn quy định Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá theo Điều 12:  Khu vực cách ly của sân bay;  Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.     

Xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL: Luật quy định nguyên tắc chung trong xử phạt vi phạm pháp luật về PCTHTL và một số biện pháp cụ thể để tăng cường thực thi pháp luật vì hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về PCTHTL đặc biệt là vi phạm quy định về hút thuốc lá nơi công cộng, buôn lậu thuốc lá đang diễn ra tràn lan, khó kiểm soát; tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành như thuốc lá lậu là hàng hóa cấm kinh doanh, hành vi buôn lậu thuốc lá số lượng lớn sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, Luật đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể về hành vi, thẩm quyền và mức phạt nghiêm.

Luật quy định và giao trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng công an, quốc phòng, quản lý thị trường trong xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính khả thi.

Bên cạnh đó, Luật quy định cho phép người đứng đầu có một số quyền như: Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở. Những quy định này sẽ bảo đảm tăng cường trách nhiệm cũng như vai trò của người đứng đầu địa điểm công cộng để thực hiện tốt hơn quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy cần đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá

 

 

 

TH