CHÁY, NỔ NHÀ DÂN – NỖI LO KHÔNG CHỈ RIÊNG AI

833
Đánh giá bài viết

Từ thực tiễn của cuộc sống, ông cha ta đã từng tổng kết: “Thuỷ, hoả, đạo, tặc” hay “Giặc phá không bằng nhà cháy” để nói lên tác hại khôn lường của nạn cháy và nhằm nhắc nhau phòng cháy và chữa cháy tốt hơn.

Trong thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, nổ làm thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự an toàn xã hội.

Cháy nổ trong mùa nắng nóng là một trong những nỗi lo của mọi người

Đặc biệt các vụ cháy, nổ nhà dân trong thời gian qua đã làm chết và bị thương nhiều người, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của con người gây ra. Điển hình đó là vụ cháy nhà dân tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng đã làm chết 6 người trong gia đình, nguyên nhân cháy do chập cháy mô tơ điện máy may bố trí trong phòng khách; vụ cháy tại Quận 3, TP.HCM đã làm chết 6 người và 6 người bị thương, nguyên nhân do chập điện bình ắc quy xe máy để trong nhà gây cháy lan; vụ cháy tại ngôi nhà 4 tầng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã làm chết 4 người trong gia đình, nguyên nhân do chập điện… Các vụ cháy nhà dân làm chết nhiều người trong cùng một gia đình như đã nói ở trên chủ yếu do nhà chỉ bố trí 01 lối thoát nạn là cửa chính, không có cửa phụ, những nạn nhân chết trong đám cháy phần lớn do ngạt khói và khí độc. Đây là những bài học rất đau lòng đòi hỏi mỗi một người dân chúng ta phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng ngừa cháy, nổ.

Cháy cửa hàng tạp hóa ở Lệ Thủy gây thiệt hại lớn về tài sản (Ảnh tư liệu)

Quảng Bình là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế xã hội, tại các khu dân cư nhà dân được xây dựng sát nhau, có rất nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kết hợp với kinh doanh, buôn bán nhất là các vùng ở TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn. Trong khuôn viên của ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp nhưng nhiều gia đình đã bố trí một khối lượng các chất dễ cháy, nổ rất lớn như hàng tạp hóa, vải vóc quần áo, cao su, các chất lỏng dễ cháy khác như cồn, dầu hỏa, sơn,… Trong tất cả các vụ cháy, nổ nhà dân đã xảy ra do những nguyên nhân cơ bản như sau:

  1. Do sự cố hệ thống điện và thiết bị tiêu thụ điện.
  2. Do sử dụng bình Gas không đảm bảo an toàn để khí Gas rò rỉ ra ngoài gây cháy, nổ.
  3. Do bất cẩn trong quá trình sử dụng ngọn lửa trần; do thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách an toàn Phòng cháy và chữa cháy; do bố trí các chất dễ cháy, nổ gần các thiết bị tiêu thụ điện, gần bếp; do cất trữ các chất lỏng nguy hiểm cháy, nổ như xăng, dầu, cồn với số lượng lớn trong nhà.
  4. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh kịp thời có mặt tham gia chữa cháy tại cơ sở

Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quảng Bình khuyến cáo như sau:

1.Quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở phải quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống dây điện đảm bảo đủ tiết diện dây dẫn tránh quá tải; phải lắp Aptomat tổng của toàn bộ ngôi nhà, Aptomat các tầng và Aptomat cho các phòng; nghiêm cấm câu mắc, đấu nối dây điện tùy tiện; khi ra khỏi phòng phải ngắt Aptomat điện trong phòng; trong trường hợp không có người ở trong nhà thời gian dài phải ngắt Aptomat tổng của ngôi nhà.

2.Tuyệt đối không sử dụng bình Gas mini cũ đã nạp lại để đun nấu; đối với bình Gas lớn sau khi đun nấu phải đóng van bình Gas, trong thời gian khoảng 2 năm phải thay van, vòi bình Gas để tránh rò rỉ khí Gas. Khi phát hiện rò rỉ khí Gas phải nhanh chóng khóa van bình Gas, mở tất cả các cửa sổ, cửa chính và sử dụng các dụng cụ thô sơ để quạt khí Gas ra khỏi phòng; tuyệt đối không bật điện, tắt điện, không sử dụng ngọn lửa trần, không bật bếp Gas lên để đun nấu.

3.Không nên cất trữ các chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, cồn với số lượng lớn trong nhà và không bố trí những chất lỏng dễ cháy gần các nguồn nhiệt, gần các thiết bị tiêu thụ điện, gần ổ cắm, bảng điện; tuyệt đối không kinh doanh xăng bán lẻ bằng các cột bơm xăng dầu di động.

4.Hiện nay các nhà dân thường làm kiên cố hoặc hàn các khung thép đề phòng kẻ trộm nhưng quên mất mở lối thoát hiểm, do đó trong mỗi nhà dân phải bố trí ít nhất 02 lối thoát ra phía sau nhà, lên ban công hoặc bố trí lối đi lên sân thượng để có thể thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra và lực lượng Cảnh sát PCCC có thời gian cứu nạn. Không bố trí các chất dễ cháy, nổ gần lối thoát nạn vì khi xảy cháy sẽ chặn gây cháy lan làm chặn lối thoát nạn.

5.Khi xảy ra cháy, nổ trong nhà dân, tất cả mọi người trong gia đình phải hết sức giữ bình tĩnh. Nhanh chóng hô hoán cho toàn bộ những người trong nhà biết để thoát nạn, kịp thời ngắt hệ thống điện, tìm lối thoát nạn gần nhất để thoát ra ngoài ngôi nhà. Đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Bình theo số máy 114 (Nếu dùng máy di động cũng chỉ bấm số 114 ). Khi ngọn lửa đang bao trùm lối thoát nạn, các thành viên trong gia đình phải tập trung nhau lại, không chạy tán loạn, trong quá trình di chuyển phải hạ thấp độ cao, bò theo tường đến cửa thoát ra ngoài. Muốn băng qua lửa để thoát ra ngoài có thể sử dụng chăn mỏng nhúng nước trùm lên toàn bộ người, dùng khăn mặt nhúng nước để che mũi hạn chế ngửi khói khí độc. Tuyệt đối không vào nhà vệ sinh đóng cửa lại, không chui dưới gầm giường, gầm bàn, gầm ghế, nếu làm như vậy chỉ kéo dài sự sống thêm vài phút, khói và khí độc sẽ nhanh chóng xâm nhập vào những khu vực đó gây ngạt khói dẫn đến tử vong. Do đó bằng mọi cách phải nhanh chóng thoát ra khỏi ngôi nhà bị cháy để tránh thương vong do ngạt khói, khí độc. Sau khi toàn bộ mọi thành viên trong gia đình đã thoát ra ngoài ngôi nhà bị cháy một cách an toàn, huy động mọi lực lượng và phương tiện để chữa cháy.

Lê Văn Xanh (Phòng PC07 )