Cảnh báo cháy ở các cơ sở thờ tự trong dịp đầu năm mới, đón Tết nguyên Đán Nhâm Dần 2022

363
Đánh giá bài viết

Những năm vừa qua, tình hình cháy, nổ tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự (đền, chùa, miếu…), trên cả nước diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại không hề nhỏ về người và tài sản, làm mất đi những di sản văn hóa không thể khôi phục được.

Cháy tại chùa Knong – Srok (Trà Vinh)

Hầu hết các di tích lịch sử, đền, chùa có từ rất lâu đời với chất liệu công trình chủ yếu làm bằng gỗ, nhiều hạng mục di tích có dấu hiệu xuống cấp, cùng với đó một số điểm di tích mặc dù được ban quản lý và địa phương trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) nhưng còn thô sơ, chưa đầy đủ và ít khi được kiểm tra, bảo dưỡng.

Người dân chen lấn thắp hương cúng Lễ tại chùa

Do vậy, để đảm bảo công tác an toàn PCCC và CNCH tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt trong dịp đầu năm mới 2022, đón Tết nguyên Đán Nhâm Dần của dân tộc. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH như sau:

A. Đối với Ban quản lý các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự

  1. Ban hành các quy định, nội quy về PCCC và CNCH tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự.
  2. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức PCCC và CNCH, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng báo cháy “114” cho những người làm việc, phục vụ tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự cũng như khách đến cúng Lễ, tham gia các hoạt động tâm linh, có ý thức chấp hành các quy định, nội quy về PCCC và CNCH.
  3. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện để kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục ngay đảm bảo an toàn PCCC.
  4. Sử dụng bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.
  5. Phải có kho bảo quản hương, đèn cầy, vàng mã; dụng cụ đỡ hương, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ đảm bảo an toàn PCCC và CNCH.
  6. Phải có nơi hủy hương, đèn cầy, vàng mã… Phải phân công người trông coi khi khách đến thắp hương, đèn cầy, hóa vàng mã… để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.
  7. Không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn. Chuẩn bị các điều kiện thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
  8. Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, thường trực trong thời điểm khách đến cúng Lễ, tham gia các hoạt động tâm linh và sau khi kết thúc công việc trong ngày.
  9. Chủ động trang bị phương tiện PCCC và CNCH, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC và CNCH hiện có đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, như: Bình chữa cháy xách tay, xô, chậu…
  10. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho thuốc, bãi xe…
  11. Tổ chức tập huấn cho các tăng ni, lực lượng bảo vệ, người làm việc, phục vụ tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự các thao tác sử dụng bình chữa cháy, các biện pháp thoát nạn.

Lò hóa vàng lúc nào cũng rực lửa vì vẫn có nhiều du khách đốt vàng mã nhân dịp đầu năm

B. Đối với khách đến cúng Lễ, tham gia các hoạt động tâm linh

  1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, nội quy về PCCC và CNCH khi đến cúng Lễ, tham gia các hoạt động tâm linh tại các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự.
  2. Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành Lễ, cúng, tế phải có người trông coi và việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy. Vàng mã phải được hóa vàng trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.
  3. Khi xảy ra cháy nổ, sự cố tai nạn, báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại nóng 114.

Thanh Hà – PC07