Chủ động – Khẩn trương thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch cúm gia cầm

37
Đánh giá bài viết

Trước tình hình dịch cúm gia cầm độc lực cao đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có khả năng xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A((H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 18 tỉnh, thành phố với số ca mắc cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó có các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam là những nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người, chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng cúm A(H7N9) từ người sang người nhưng khả năng xâm nhập của dịch vào nước ta là rất cao. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, của CBCS và công nhân viên Công an nói riêng, Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung lực lượng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch cúm gia cầm. Trọng tâm là triển khai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CBCS, Công nhân viên Công an, người thân và nhân dân trên địa bàn hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của cúm gia cầm và có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Khi dịch cúm gia cầm có dấu hiệu xâm nhập, bùng phát trên địa bàn, các lực lượng Công an phải chủ động, khẩn trương huy động lực lượng sẵn sàng tham gia khống chế, bao vây, dập dịch đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để người dân biết khi sử dụng gia cầm.

 

Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Chi cục thú y tỉnh Quảng Bình tiêu hủy sản phẩm gia cầm đông lạnh không rõ nguồn gốc.

 

Các đơn vị nghiệp vụ tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, các địa phương nắm tình hình, nắm địa bàn; tăng cường TTKS chặt chẽ trên các tuyến giao thông kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; tịch thu và tiêu hủy toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu đi qua địa bàn tỉnh ta; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

Cùng với các cấp, các ngành, lực lượng Công an Quảng Bình sẵn sàng tham gia cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh cúm A (H7N9) và các chủng cúm vi rút gia cầm khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta một cách tích cực, hiệu quả.

 

Cúm gia cầm áp sát Việt Nam

Theo Cục Y tế dự phòng, từ năm 2013 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch cúm gia cầm A (H7N9), chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Đáng chú ý gần đây nhất, đợt dịch lần thứ 5 bắt đầu từ tháng 10 năm 2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với hơn 425 trường hợp mắc xảy ra tại 14 tỉnh thành phố, trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam. Đồng thời, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, trong tháng 1-2017 đã xảy ra một dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia), là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của nước ta. Ngoài dịch cúm A (H7N9), A (H5N1) đang có những diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc gây bệnh trên người nêu trên. Hiện nay, thế giới cũng đang ghi nhận cúm A (H5N6), cúm A (H5N8) gây dịch trên các đàn gia cầm tại một số nước châu Âu, châu Á. Tại Việt Nam cũng ghi nhận rải rác ổ dịch cúm A (H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố.

Việt Nam đã quyết định thành lập 8 đội ứng phó nhanh để kịp thời xử lý khi phát hiện vi rút cúm A (H7N9). Trước đó, Cục Thú y đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới phía Bắc, gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.

   TH