Chủ động phòng cháy chữa cháy trong mùa nắng nóng

277
Đánh giá bài viết

 

 

Ở Quảng Bình chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra hơn 11 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như vụ cháy tàu đánh cá tại khu âu thuyền ở thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới với thiệt hại trên 1 tỷ đồng.  Để chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trong mùa nắng nóng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh và tăng cường công tác PCCN ở trên địa bàn….

 

Không thể lơ là…

Theo số liệu thống kê của phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh thì năm 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 43 vụ cháy, riêng từ đầu năm 2018 đến nay là 11 vụ cháy bao gồm cháy nhà dân, cơ sở sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp, chợ … Trong đó phải kể đến vụ cháy tại Công ty gỗ Trường Thành 2, khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới vào lúc 4h09 phút ngày 12/8/2017, gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng, nguyên nhân được xác định là do sự cố kỹ thuật. Vụ cháy tại nhà anh Nguyễn Kiều Hưng ở thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch vào hồi 20h 35 phút ngày 01/01/2017 gây thiệt hại về người (nạn nhân là bà Phan Thị Sáu, sinh năm 1933), nguyên nhân do gia đình anh Hưng bất cẩn trong việc sử dụng lửa để sưởi ấm. Hầu hết các vụ cháy xảy ra đều xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người dân trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong cuộc sống thường nhật như đốt rác, vàng mã, sử dụng bếp ga, sử dụng điện…

Từ trước tới nay đã có quá nhiều bài học đau đớn và thương tâm do cháy nổ gây ra . Vậy nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị và không ít người vẫn còn xa lạ và thờ ơ với công tác PCCC. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.142 lượt cơ sở được phân cấp quản lý thì đã kiến nghị, hướng dẫn cơ sở khắc phục 713 thiếu sót trong việc không tuân thủ quy định an toàn cháy nổ. Thực tế qua kiểm tra cho thấy việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó vẫn còn diễn ra. Ở nhiều công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư đều có niêm yết tiêu lệnh PCCC nhưng lại thường xuyên bị quên lãng vì chẳng mấy ai quan tâm. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình. Chỉ khi nào cháy đã xảy ra, hoặc tận mắt chứng kiến hậu quả, người ta mới giật mình thức tỉnh. Sẽ là quá muộn nếu mang trong đầu ý thức PCCC theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

 

 

Các phương tiện PCCC tại siêu thị Co.op Mart Quảng Bình được trang bị đầy đủ và hiện đại, đảm bảo tốt yêu cầu khi có cháy xảy ra.

 

Không thể lơ là- đó chính là phương châm phòng ngừa hữu hiệu nhất trong công tác PCCC mà mỗi người dân và đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh phải thực hiện. Chính vì vậy, trong thời gian qua, để người dân nâng cao ý thức, chủ động trong công tác phòng ngừa “bà hỏa” trong mùa nắng nóng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật và những kiến thức cơ bản về công tác PCCC đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, các cơ quan, doanh nghiệp trường học và quần chúng nhân dân đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy, nổ tại cơ sở, doanh nghiệp, khu dân cư, nhằm góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác phòng ngừa và làm giảm số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành mở nhiều đợt huấn luyện, diễn tập phương án chữa cháy; đồng thời tiến hành kiểm tra, nhắc nhở; phát hiện những sơ hở thiếu sót để khắc phục kịp thời; tổ chức hướng dẫn, quán triệt các điều kiện và biện pháp an toàn PCCC đối với người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp; nhất là ở những địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy, nổ. Tập trung tuyên truyền việc sử dụng lửa, nguồn nhiệt, điện, xăng dầu, khí đốt. Tổ chức cho ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC không để xảy ra cháy, cháy lớn, góp phần kiềm chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 62 cuộc tuyên truyền, huấn luyện về PCCC với hơn 2.141 người tham gia và 10 cuộc thực tập phương án về công tác PCCC.

 

Chủ động phòng ngừa cháy nổ- trách nhiệm của toàn dân

 

Năm 2001, sau 40 năm Pháp lệnh PCCC được ban hành thì Luật PCCC đã ra đời, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Xã hội hóa công tác PCCC là tinh thần xuyên suốt trong phong trào toàn dân PCCC với phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư- hậu cần tại chỗ”. Ở địa bàn Quảng Bình, ngoài lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh thì không thể phủ nhận được những nỗ lực của lực lượng PCCC tại cơ sở. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc dập tắt kịp thời các đám cháy. Đó cũng chính là  minh chứng sống động cho một chủ trương đúng đắn, thiết thực và sức lan tỏa của phong trào toàn dân PCCC. Vì vậy, đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

 

Công tác tuyên truyền, huấn luyện về PCCC luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh thực hiện. Ảnh chụp tại Chi cục dân số -kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

Mùa hè 2018, dự báo Quảng Bình sẽ đón những đợt nắng nóng cao điểm, nguy cơ cháy nổ sẽ rình rập mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt khi người dân lơ là cảnh giác. Vì vậy, mỗi người dân cần phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC: tuyệt đối không được thắp hương, đốt vàng mã, bán xăng, dầu không khói; sắp xếp, bố trí hàng hóa gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn, không để hàng hóa che khuất phương tiện PCCC tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại; mỗi người dân khi dùng bếp ga đun nấu phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van gas; trong gia đình, cơ quan không sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc nhằm tránh tình trạng chập điện do quá tải; mỗi cơ quan, gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái nhà …trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC để xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra; khi có cháy nổ xảy ra phải bình tình xử lý tìm lối thoát an toàn đồng thời báo cho mọi người xung quanh biết để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Để chủ động phòng chống, ứng phó với các vụ cháy rừng, lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác PCCC rừng; xây dựng bổ sung, hoàn thiện phương án chữa cháy rừng phù hợp với vị trí địa lý của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Trong đó, nêu lên các phương án xử lý các tình huống khi có cháy xảy ra như: huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời, hiệu quả.

 

Đối với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cần  tiếp tục chủ động nắm tình hình, triển khai lực lượng tiến hành khảo sát ở các địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm; các điểm, các cơ sở có nhiều tiềm ẩn gây ra cháy, nổ để phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng có phương án phòng, chống. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân tích cực tham gia phòng cháy chữa cháy; lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn PCCC, tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành của tổ chức và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp an toàn PCCC trong mùa nắng nóng. Chủ động xây dựng phương án chữa cháy đối với các cơ sở trọng điểm nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đồng thời phối kết hợp với các cơ sở tổ chức  diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tập trung lực lượng, phương tiện thường trực chiến đấu 24/24 sẵn sàng nhận nhiệm vụ và lên đường chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, một cách kịp thời, hiệu quả nhất, không để xảy ra cháy lớn, góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản cho các tổ chức, cá nhân.

Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và không ngoại trừ một ai. Phòng cháy chữa cháy tốt chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh và góp phần bảo vệ thành quả to lớn của xã hội. Đó là việc rất nên làm và cần làm. Việc này chỉ thành công nếu có sự đồng tình và góp sức của toàn xã hội.

 

Bài và ảnh: Ngọc Oanh