Công an nhân dân Quảng Bình ra đời, đấu tranh trấn áp kẻ thù, bảo vệ thành quả Cách mạng từ những ngày còn non trẻ

314
Đánh giá bài viết

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân thiết lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, tự do dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo chủ trương của Đảng và Chính quyền cách mạng, lực lượng CAND được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1945 để đáp ứng yêu cầu cấp thiết là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Nhân dân, đấu tranh trấn áp phản cách mạng, thiết lập và bảo vệ nền an ninh trật tự mới.

Lực lượng Công an Quảng Bình không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân

Ở Quảng Bình, sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ngày 23 tháng 8 năm 1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình thành lập. Cũng trong ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ủy ban Nội vụ Trung bộ ra Thông cáo số 04-NVTB/TC hướng dẫn việc thành lập bộ phận Trinh sát và Tư pháp trong các Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các làng, đường phố… để dò xét bọn gian phi, phản động và xét xử các án nhẹ.

Ngày 12 tháng 10 năm 1945, Ủy ban nội vụ Trung Bộ ra tiếp Quyết định thành lập các Đội cảnh sát nhằm làm các nhiệm vụ cấp thiết, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó có Quảng Bình…

Ngay sau khi được thành lập, Đội Cảnh sát trật tự Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với Ban Trinh sát và các đoàn thể của mặt trận Việt Minh tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cấp thiết do Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời giao phó.

Giữa tháng 3 năm 1946, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hợp nhất Ban Trinh sát và Đội Cảnh sát trật tự của tỉnh đổi thành Ty Công an Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Bân làm Trưởng ty với quân số 40 cán bộ, nhân viên, được chia làm 3 ban: Ban Chính trị do ông Nguyễn Quang Chiếu làm Trưởng ban; Ban Trật tự do ông Ngô Đình Phác làm Trưởng ban và Ban Văn phòng do đồng chí Nguyễn Xuyên làm Chánh Văn phòng. Ở cấp huyện có một quận Công an, mỗi xã có một Trật tự viên. Chức năng, nhiệm vụ của Công an được quy định cụ thể là theo dõi tình hình và trấn áp bọn gián điệp, phản động, lưu manh trộm cắp, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, bảo vệ Nhân dân…

Vừa mới ra đời tuy còn non trẻ, trang bị còn thô sơ nhưng lực lượng Công an Quảng Bình đã phải đương đầu với những thử thách cam go do thù trong giặc ngoài gây ra, đặc biệt là nạn đói hoành hành khắp cả nước để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Đầu tháng 9 năm 1945, một đại đội quân Tàu – Tưởng, dưới danh nghĩa quân đồng minh kéo vào thị xã Đồng Hới để giải giáp quân Nhật. Tháng 10 năm 1945 bọn tan binh Pháp co cụm ở Trung Lào đánh vào miền tây Quảng Bình làm cho tình thế càng thêm phức tạp. Được giặc ngoài tiếp sức, một số tên tay sai vừa bị cách mạng lật đổ tìm cách hoạt động chống phá phong trào cách mạng, gây cho ta nhiều khó khăn phức tạp. Bên cạnh đó, bọn phản cách mạng luôn cấu kết với bọn tội phạm hình sự gây ra các loại tội phạm để chống phá cách mạng…

Trước tình hình đó, lực lượng Công an Quảng Bình đã mưu trí dũng cảm, lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ chính quyền mới. Tập trung phục vụ các hoạt động củng cố và xây dựng các tổ chức Đảng, bảo vệ an toàn hội nghị cán bộ Đảng ở tỉnh và các huyện, thị xã để thành lập Đảng bộ tỉnh và Ban Chấp hành Huyện ủy, Thị ủy lâm thời đứng ra gánh vác trách nhiệm lịch sử trước Nhân dân. Các Ban trinh sát, Ủy viên trinh sát phục vụ cho UBND cách mạng các cấp đã bắt tay vào hoạt động quản lý xã hội về an ninh trật tự, trực tiếp phục vụ việc tổ chức lại hệ thống chính quyền các cấp.

Trước khí thế sôi nổi của Cách mạng tháng Tám, quần chúng hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc càng nhiều. Mặt trận Việt Minh được mở rộng, các tổ chức Thanh niên Cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc được thành lập. Từ lực lượng đội nghĩa binh của tỉnh, các đội tự vệ chiến đấu cũng được hình thành. Tổ chức quân đội giải phóng, với các chi đội Lê Trực, Đại đội Phú Quý… lần lượt ra đời, đều có công sức đóng góp của lực lượng Công an các cấp.

Trước những khó khăn chồng chất, lực lượng Công an đã triển khai các mặt hoạt động phục vụ chính quyền cách mạng các cấp tập trung giải quyết nạn đói, phát động mạnh mẽ phong trào diệt dốt và phong trào thực hiện nếp sống mới sôi nổi trong Nhân dân, từng bước giải quyết các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma chay, đồng bóng… góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ chính quyền, xây dựng chế độ mới.

Đi đôi với công tác củng cố chính quyền cách mạng, lực lượng Công an Quảng Bình đã tích cực nắm tình hình, kịp thời phát hiện và trấn áp bọn phản cách mạng có các biểu hiện chống đối. Đối với bọn tay sai trong bộ máy ngụy quyền địch bị bắt giữ trong những ngày tổng khởi nghĩa, tùy mức độ khác nhau, dựa vào chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng và nguyện vọng của quần chúng, đều được đưa ra xét xử công khai…

Nhờ vận dụng khôn khéo chính sách cải tạo của Đảng đối với tầng lớp trí thức, quan lại, tư sản của chế độ cũ, biết tranh thủ thuyết phục lôi kéo họ trở về với cách mạng… lực lượng Công an từng bước phá tan những cơ sở mà bọn giặc ngoài, thù trong tìm cách mua chuộc lôi kéo họ chống lại cách mạng.

Trong điều kiện mới ra đời còn non trẻ, thiếu thốn trăm bề những cán bộ và chiến sỹ Công an Quảng Bình đã phát huy được tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm chiến đấu với địch. Trong hoàn cảnh vừa làm, vừa học, lực lượng Công an bước đầu đã vận dụng các hình thức, biện pháp đấu tranh, trấn áp phản cách mạng và các hoạt động phạm tội khác; phân hóa hàng ngũ địch, xây dựng cơ sở vào nội bộ các tổ chức địch để nắm tình hình, phục vụ kịp thời việc đối phó, ngăn chặn địch. Quá trình chiến đấu đã phối hợp với lực lượng quần chúng để phát hiện, giám sát, theo dõi, trấn áp phản cách mạng và bọn tội phạm khác…

Ngô Quang Văn
(Theo Lịch sử Công an Nhân dân Quảng Bình 1945-1975)