Công an Quảng Bình: Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy và nồng độ cồn

341
Đánh giá bài viết

Thực hiện kế hoạch số 139/KH-BCA-C08, ngày 23/4/2019 của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, góp phần lập lại TTATGT và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Đợt cao điểm phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn được triển khai thực hiện từ ngày 06/5/2018 đến ngày 13/5/2019. Bên cạnh chủ động phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tổ chức cho các đơn vị, tổ chức, chủ phương tiện, người điều khiển xe ô tô, vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến, địa bàn quản lý ký cam kết chấp hành các quy định về chất ma túy, nồng độ cồn.

 

Kiểm tra giấy tờ người điều khiển ô tô  tham gia giao thông trên đường.

 

Cùng với đó, các tổ, đội công tác gồm lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Cảnh sát trật tự, cơ động đã phối hợp tuần tra, kiểm soát theo từng tuyến, địa bàn trọng điểm. Tập trung chủ yếu các khu vực bến xe, bến cảng, nhà hàng, quán bar, quán ăn, tụ điểm về ma túy. Mỗi tổ công tác được giao nhiệm vụ đã phát huy tốt tinh thần chủ động, cương quyết, kịp thời xử lý nghiêm minh với các hành vi vi phạm. Kết quả trong tuần cao điểm, các lực lượng đã phối hợp tổ chức 14 ca tuần tra, kiểm soát với 168 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó đã phát hiện, lập biên bản hơn 205 trường hợp vi phạm với các lỗi vi phạm nồng độ cồn, hết hạn kiểm định và không có giấy phép lái xe, tạm giữ gần 200 phương tiện ô tô và mô tô, phạt tiền gần 1 tỷ đồng. Trong đó có nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền lên đến 17 triệu đồng.

 

Kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

 

Thời gian tới, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiếp tục tăng cường lực lượng TTKS trên các tuyến đường, đặc biệt chủ trì tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng các phương án phối hợp với các đơn vị PC02, PC04, PC06, PK20, PC09, Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động TTKS khép kín và công khai trên các tuyến giao thông đường bộ, cương quyết xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ và điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định về chất ma túy, nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tình hình trật tự ATGT, tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi vi phạm, qua đó cũng để cảnh báo chung về sự nguy hiểm, tác hại và các mức xử phạt để người dân nắm, nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cùng chung tay xây dựng môi trường văn hóa giao thông lành mạnh vì cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

 

Phối hợp TTKS trật tự ATGT giữa 3 lực lượng.

 

Đề xuất phạt lái xe uống rượu 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm

 

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền từ 34 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng và tước GPLX 4 – 6 tháng.

Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền từ 18 – 20 triệu đồng và tước GPLX 14 – 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở. Đối với mức vi phạm này, hiện Nghị định 46 đang quy định phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng và tước GPLX 3 – 5 tháng.

 

 

Ở mức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/lít khí thở mức phạt được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46 là phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng và tước GPLX 1 – 3 tháng).

Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được Tổng cục Đường bộ chỉ đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 – 8 triệu đồng và tước GPLX 22 – 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 – 4 triệu đồng và tước GPLX 3 – 5 tháng.

Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 – 20 triệu đồng và tước GPLX 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 – 7 triệu đồng và tước GPLX 2 – 4 tháng.

Người điều khiển xe mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự như mức phạt nêu trên.