Công an huyện Quảng Trạch đẩy mạnh công tác dân vận góp phần đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào tôn giáo trên địa bàn

220
Đánh giá bài viết

Quảng Trạch là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp thị xã Ba Đồn, phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa, phía Đông giáp biển Đông, phía Bắc giáp với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), với diện tích tự nhiên 450,70 ha, dân số trên 10 vạn người phân bố ở 18 xã; trong đó có 05 xã đặc biệt khó khăn, 07 xã vùng biển và cồn bãi, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, ngư nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đồng bào công giáo chiếm 1/5 dân số toàn huyện, được phân bố trên địa bàn 10 xã; có 07 giáo xứ, 21 giáo họ, 08 linh mục và 01 tu viện mến thánh giá Hướng Phương với gần 100 nữ tu.

Thời gian qua, tình hình an ninh trên địa bàn vùng giáo huyện Quảng Trạch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã giải quyết tốt các nhu cầu tín ngưỡng, nguyện vọng chính đáng của giáo dân các xứ, họ theo đúng chính sách pháp luật quy định; khuôn viên nhà thờ được mở rộng, cơ sở vật chất nơi thờ tự khang trang, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng đảm bảo. Song bên cạnh đó, một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo đã lợi dụng đức tin của bà con giáo dân để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động làm cho họ hiểu sai về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng mặt trái của cơ chế thị trường, các tiêu cực trong xã hội và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước ở cơ sở để tung tin bịa đặt, vu cáo, kích động giáo dân gây áp lực với chính quyền và cung cấp thông tin cho các đối tượng xấu sử dụng làm tài liệu chống phá Đảng và Nhà nước ta… Điển hình như việc huy động bà con giáo dân dựng cổng chào, ngăn cản chính quyền trong việc xây dựng công viên cây xanh tại thôn Hướng Phương (Quảng Phương) buộc chính quyền phải ngăn chặn, cưỡng chế tháo dỡ; hay lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do nhà máy fomusa Hà Tĩnh gây ra để kích động tín đồ giáo dân tụ tập gây rối, biểu tình tạo ra các vụ việc phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Để đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào tôn giáo, một trong nhiều bài học kinh nghiệm của lực lượng Công an Quảng Trạch là phải đẩy mạnh công tác dân vận. Với phương châm hành động: “Nghe dân, hiểu dân, làm cho dân tin”; từ đó vận động quần chúng giáo dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo đã trở thành công tác mấu chốt, quan trọng góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Đảng ủy, BCH Công an huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác dân vận góp phần đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào có đạo, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Trước hết, về nhận thức phải xác định sinh hoạt tôn giáo là một nhu cầu chính đáng trong đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân. Các tôn giáo nói chung và đồng bào công giáo nói riêng đều nhằm mục đích hướng thiện cho con người lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Luôn gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số đối tượng có tư tưởng cực đoan, chống đối, thường xuyên có lời nói, rao giảng kích động giáo dân vi phạm pháp luật. Để đập tan những luận điệu tuyên truyền, kích động của đối tượng xấu, đảm bảo ổn định ANTT ở vùng đồng bào tôn giáo, cần phải đẩy mạnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các ban ngành chức năng đẩy mạnh công tác dân vận. Để làm được điều đó trước hết cần tìm ra mẫu số chung, điểm tương đồng giữa người theo và không theo tôn giáo cùng hướng đến như phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc; cùng hướng đến một xã hội tốt đẹp, ổn định, không có “điểm nóng” về ANTT làm ảnh hưởng đến đời sống chung trong xã hội. Từ đó dẫn dắt tín đồ tôn giáo tham gia vào công tác bảo vệ bình yên cuộc sống, phê phán, đấu tranh với các hoạt động sai trái của đối tượng cực đoan trên địa bàn. Đây là việc làm quan trọng và có ý nghĩa lâu dài.

2. Tổ chức cho các lực lượng nghiệp vụ bám sát địa bàn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tín đồ tôn giáo, lấy đó làm cơ sở phục vụ công tác dân vận tín đồ tôn giáo đồng thuận với chủ trương, chính sách, quan điểm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, làm cho quần chúng ủng hộ quan điểm giải quyết của chính quyền nhằm góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

3. Trong công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo, Công an huyện đã bổ sung quy trình, nội dung, hình thức vận động phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm đến vận động rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh, Đài truyền hình, thành lập tổ công tác đấu tranh phản bác trên mạng Internet. Đồng thời quan tâm chú ý vận động cá biệt số người có uy tín, ảnh hưởng với tín đồ tôn giáo, qua đó góp phần đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào tôn giáo.

4. Khi trên địa bàn xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT tại vùng đồng bào tôn giáo, để hỗ trợ cho công tác dân vận, Công an huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo, phối hợp với ban Công an xã lập danh sách, đấu tranh các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các hành vi kích động tín đồ tôn giáo vi phạm ANTT để răn đe, xử lý, qua đó nhanh chóng giải tán đám đông làm ổn định tình hình.

5. Đối với các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, Công an huyện đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các xã vùng giáo tiến hành tiếp xúc, gặp gỡ tranh thủ họ tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn, như việc xử lý tình hình phức tạp xảy ra vào ngày 19/02/2017 tại giáo xứ Xuân Hòa, do không thỏa mãn với công tác kê khai, chi trả tiền đền bù do sự cố ô nhiễm môi trường biển của chính quyền, hàng trăm giáo dân nơi đây đã tập trung đông người kéo lên chặn đường Quốc lộ 1A, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Phải khẳng định rằng thời gian qua, công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo của Công an huyện Quảng Trạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác dân vận, do nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nên còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác phối hợp giữa các ban, ngành chưa thật sự chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước của một số địa phương còn buông lỏng, sai sót, chưa thật sự quan tâm đến công tác tôn giáo; các đối tượng lợi dụng tôn giáo hoạt động ngày càng manh động, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…

Từ thực tế triển khai công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo, Công an huyện Quảng Trạch rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, việc triển khai công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo phải được cấp ủy Đảng, Ban chỉ huy đơn vị thực sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là biện pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu của lực lượng CAND nhằm đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào tôn giáo.

Thứ hai, cần đặc biệt quan tâm đến công tác nắm tình hình, phải hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của quần chúng tín đồ, phân tích xác định rõ đâu là tâm tư, nguyện vọng chính đáng cần được xem xét, đâu là yêu sách cần đấu tranh. Phải biết dựa vào đồng bào tôn giáo, coi nhân dân là chỗ dựa vững chắc để triển khai các mặt công tác dân vận ở vùng giáo đạt hiệu quả .

Thứ ba, trong công tác dân vận tại vùng đồng bào tôn giáo cần chú ý quan tâm đến công tác vận động cá biệt, người có uy tín đối với tín đồ tôn giáo, nhất là số chức sắc, chức việc, trong đó linh mục là cầu nối giữa giáo hội, giáo dân, có vị trí, vai trò, ảnh hưởng đối với giáo dân, nếu tranh thủ được sẽ góp phần đảm bảo tình hình ANTT, nhanh chóng giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn.

Thứ tư, tại địa bàn có cả lương dân và giáo dân cùng sinh sống, trong công tác dân vận cần chú ý tranh thủ tiếng nói tích cực của lương dân và những tín đồ tôn giáo có tư tưởng tích cực, hình thành lực lượng phản bác lại các quan điểm sai trái của số đối tượng cực đoan trong vùng giáo.

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo nhằm đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, cần tiếp tục thực hiện các mặt công tác trọng tâm sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể CBCS trong đơn vị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng sự tham gia của quần chúng tín đồ tôn giáo trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn vùng giáo. Đồng thời, trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát hiện biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cá nhân, tập thể là người tín đồ tôn giáo tích cực tham gia vào công tác bảo đảm ANTT.

2. Tham mưu cho chính quyền cơ sở chủ động xây dựng, củng cố lực lượng ngay tại địa bàn vùng đồng bào tôn giáo phục vụ công tác nắm tình hình và công tác dân vận. Trong đó, cần mạnh dạn đưa người theo đạo có tư tưởng tiến bộ, có trình độ, năng lực giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền.

3. Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ với hàng ngũ chức sắc, chức việc trong tôn giáo để tìm hiểu tư tưởng, thái độ, hướng lái họ đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, của chính quyền địa phương; tạo thiện cảm, gắn họ vào công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn vùng giáo.

4. Quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác dân vận tại địa bàn vùng đồng bào tôn giáo có tâm, có tầm và có trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất năng lực yếu, kém và không có uy tín về làm công tác dân vận.

Trung tá, Ths Trương Việt Quảng      

Phó Trưởng Công an huyện Quảng Trạch