Công an thị xã Ba Đồn tổ chức tập huấn PCCC cho các cơ sở kinh doanh karaoke, lưu trú trên địa bàn năm 2017

337
Đánh giá bài viết

Ngày 13-7, Công an thị xã Ba Đồn phối hợp cùng Phòng PC66 Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tập huấn  PCCC cho các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, lưu trú trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Thượng tá Tưởng Văn Công – Phó trưởng Công an thị xã khai mạc lớp tập huấn

Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn PCCC, Thượng tá Tưởng Văn Công – Phó trưởng Công an thị xã cho hay, những sơ suất của các cơ sở kinh doanh, lưu trú, công trình tạm như đường dây dẫn điện chắp nối, sắp xếp hàng hóa vi phạm khoảng cách, sử dụng lửa trần, thắp hương, nến… là nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn. Hiện một số các cơ sở kinh doanh, các công trình, cơ sở lưu trú trên địa bàn chưa trang bị thiết bị PCCC chữa cháy vì nhiều lý do, trong đó có việc lo sợ tốn kém nên đã không đầu tư thiết bị PCCC. Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản, việc trang bị những thiết bị PCCC tối thiểu như bình chữa cháy, vòi chữa cháy… là hết sức cần thiết.

Hướng dẫn sử dụng phương tiện PCCC

Tại buổi tập huấn, hơn 60 người là chủ cơ sở và thành viên của đội PCCC của các cơ sở karaoke, lưu trú trên địa bàn đã được các cán bộ chuyên trách công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC phòng PC66-CAT hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về PCCC; thông báo tình hình cháy, nổ năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và các đơn vị, cơ sở. Bài học kinh nghiệm từ những vụ cháy điển hình; các vi phạm, sai sót trong công tác đảm bảo an toàn PCCC thường gặp và các phương pháp thoát nạn, cách sử dụng phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở, quy trình cứu chữa 01 vụ cháy…

Các học viên được tham gia thực hành thực tế đối với các phương tiện PCCC

Thông qua buổi tập huấn các chủ cơ sở tiếp tục nâng cao kiến thức pháp luật về PCCC trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật PCCC, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn PCCC phù hợp với đặc điểm kinh doanh tại cơ sở. Ngoài ra, còn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở; xây dựng hồ sơ quản lý công tác PCCC; tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC cho người dưới quyền; tổ chức lập và thực tập phương án chữa cháy theo quy định; đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt; đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, lối thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…

V. Đồng