‘Dân vận khéo’ góp phần đảm bảo ANTT

151
Đánh giá bài viết

 

Những năm qua, nhiều mô hình “Dân vận khéo” của Công an Quảng Bình luôn được chú trọng xây dựng, gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động, sáng tạo trong công tác dân vận, nhất là trong những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân.

 

Nhân rộng các mô hình trong phòng, chống tội phạm.

 

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công và căn cứ vào tình hình thực tiễn ANTT ở các địa phương, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chỉ thị, Nghị định, tổng kết chuyên đề, công văn, điện chỉ đạo về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận. Với nhiệm vụ đặt ra là chủ động phối hợp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hướng tới mục tiêu đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả hơn.

Theo đó, Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phối hợp số 38 về công tác dân vận gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân vận, Công an tỉnh đã tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận gắn với phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn đặc thù, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT, nhất là vùng đồng bào theo đạo công giáo đi vào chiều sâu. Trong đó đã hướng xây dựng, nhân rộng, phát triển các phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải ở khu dân cư. Điển hình như mô hình “Dòng họ tự quản”, “Tổ dân phố tự quản về ANTT” ở thành phố Đồng Hới; mô hình “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, “5 quản về ANTT” ở huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa; mô hình “Tổ xung kích tự quản về ANTT”, “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự biên giới” ở huyện Quảng Ninh; mô hình “Câu lạc bộ pháp luật” ở huyện Quảng Trạch; mô hình “5 giúp 1” ở huyện Lệ Thủy”; mô hình “Khu dân cư không có ma túy”, “Điểm sáng chấp hành pháp luật” ở huyện Minh Hóa; mô hình “Tổ liên gia tự quản” của huyện Tuyên Hóa; mô hình “Cụm giáp ranh đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo ANTT”; mô hình “Đơn vị tự quản về ANTT” của các cơ quan, doanh nghiệp, “Hòm thư phản ánh về ANTT”, “Đội xung kích tình nguyện” của các nhà trường… Riêng năm 2018, Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 5 mô hình như: Mô hình “Phong Nha – Kẻ bàng điểm đến an toàn, ấn tượng” tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, “Bãi tắm an toàn về ANTT” ở phường Hải Thành, xã Bảo Ninh, xã Quang Phú của thành phố Đồng Hới; mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn; mô hình “Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Quảng Trạch; “Cụm bản an toàn” ở huyện Minh Hóa.

 

 

Mô hình “Tổ liên gia tự quản” ở xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa đã góp phần gắn kết giữa người dân và chính quyền trong nhiệm vụ đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế tại địa phương.
“Dân vận khéo” góp phần động viên nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

 

Thông qua Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận, lực lượng Công an tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về ANTT, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, không để hình thành, kéo dài các “điểm nóng”; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, ký cam kết đảm bảo ANTT ở 1.093 điểm với hơn 42 nghìn lượt người tham gia, góp phần nâng cao ý thức tham gia phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trong nhân dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho lực lượng Công an, giúp lực lượng Công an vận động 23 đối tượng truy nã ra đầu thú, gọi hỏi răn đe 1.431 lượt đối tượng; vận động nhân dân giao nộp 164 khẩu súng các loại, 02 quả lựu đạn, 74 quả mìn tự tạo, 01 đầu đạn, 50 viên đạn và 54 bộ kích điện…

 

 Những việc làm thiết thực, hiệu quả

Thực hiện khẩu hiệu hành động “Mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân”, “Việc gì, dù nhỏ nhưng có lợi cho dân phải kiên quyết làm”, trong những năm qua, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều việc làm thiết thực mang lại lợi ích cho nhân dân như: Về tận cơ sở cấp căn cước công dân cho bà con, cấp giấy đăng ký và biển số xe trong ngày cho bà con các huyện miền núi, cải cách các thủ tục hành chính giảm bớt phiền hà cho người dân. Công an ở các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội, tình nghĩa. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch 2308/KH-CAT-PX16 ngày 17/11/2016 của Công an tỉnh về giúp đỡ xã Hồng Hoá, huyện Minh Hoá giảm nghèo và phát triển theo hướng bền vững giai đoạn 2016 – 2020; vận động mỗi cán bộ chiến sỹ đóng góp 01 ngày lương để tạo quỹ tổ chức các hoạt động giúp đỡ xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa; khởi công xây dựng và khánh thành 07 nhà tình nghĩa trị giá 330 triệu đồng cho 07 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng 04 công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” trị giá 44 triệu đồng; các Khối thi đua trao tặng 08 hệ thống âm thanh, loa máy phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho Trung tâm văn hóa xã và Nhà văn hóa của 06 thôn; trao tặng 150 suất quà cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng; 05 Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh nhân Ngày toàn dân chăm sóc người tàn tật (18/4); Hội Phụ nữ và Đoàn cơ sở Công an các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo… Những việc làm thiết thực, thắm đượm nghĩa tình của lực lượng Công an Quảng Bình đã góp phần khắc họa hình ảnh cao đẹp về người chiến sĩ Công an cách mạng trong lòng nhân dân.

 

Gặp gỡ, đối thoại nhằm giúp người dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước (tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh).

 

Qua thực hiện các mặt công tác đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân được “Ghi sổ vàng lập công mỗi ngày làm một việc tốt, vì nước, vì dân”, điển hình như: phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Lệ Thủy, Công an thị xã Ba Đồn đấu tranh phá thành công các chuyên án về tội phạm mua bán trái phép ma túy; Công an Thành phố Đồng Hới, Công an huyện Quảng Trạch, Công an huyện Quảng Ninh nhanh chóng truy xét, làm rõ đối tượng cướp tài sản; phòng  Quản lý xuất nhập cảnh tận tụy vì nhân dân phục vụ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018; phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường tiếp dân làm thẻ căn cước công dân trước và sau Tết Nguyên đán… Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh cũng đã nhận được nhiều thư cảm ơn của người dân về những hành động đẹp góp phần tô thắm thêm hình ảnh người Công an Quảng Bình đẹp trong lòng nhân dân, như: Tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bố Trạch, Hạ sỹ Phan Anh Đức, Trung sỹ Nguyễn Văn Tiến và Binh nhất Ngô Quang Tiến chiến sỹ nghĩa vụ phòng Cảnh sát Cơ động nhặt được của rơi trả lại người đánh mất; tổ công tác phòng Cảnh sát giao thông phát hiện người già yếu, bị lẫn lạc đường và dùng xe tuần tra đưa cụ về đến nhà an toàn; Cảnh sát 113 vận động, thuyết phục đưa được bé gái có biểu hiện trầm cảm đang có ý định tự tử về với gia đình; Trung úy Lê Thanh Toản, phòng Kỹ thuật nghiệp vụ kịp thời phát hiện, dập tắt đám cháy tại nhà chị Trần Thị Thúy Vinh (SN 1977, số nhà 105 Võ Thị Sáu, TP Đồng Hới); Đại úy Phạm Ngọc Thế, cán bộ Công an huyện Quảng Ninh dũng cảm cứu người bị đuối nước…

Với phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, thời gian qua, Công an Quảng Bình đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” ở vùng sâu, vùng xa, trong đó tập trung đi cơ sở, xuống địa bàn phức tạp về ANTT để phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; cử hàng trăm lượt CBCS trực tiếp xuống bám sát địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với dân để tuyên truyền, tổ chức triển khai các nội dung và biện pháp vận động nhằm củng cố hệ thống chính trị, củng cố đội ngũ cốt cán, tranh thủ và xây dựng phong trào lương giáo đoàn kết. Từ đó thực hiện tốt công tác dân vận khéo góp phần quan trọng không để hình thành “điểm nóng”, phức tạp ở cơ sở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, lực lượng Công an Quảng Bình nói chung, mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nói riêng luôn nỗ lực, rèn luyện để trở thành những “Dân vận khéo”. Với quyết tâm khi được nhân dân tin yêu, gắn bó và có trách nhiệm phối hợp với Công an, với xã hội trong việc tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc thì đó chính là nhân tố quan trọng giúp lực lượng Công an Quảng Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng bình yên, giàu đẹp.

 

N.O