Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng nước ta

25730
Đánh giá bài viết

Sau khi xâm lược và thôn tính toàn bộ nước ta, thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị chuyên chế, hà khắc và tàn bạo. Chế độ phong kiến suy tàn đã công khai câu kết và làm tay sai cho thực dân Pháp. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng gay gắt, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc ngày càng trở nên bức thiết.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại (năm 1917) đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của nhân loại trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đó cũng là ngọn cờ cổ vũ cách mạng nước ta.

Cũng những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một mặt, thực dân Pháp ra sức tiến hành các chương trình khai thác thuộc địa với quy mô lớn, vơ vét tài nguyên và bóc lột nặng nề, làm cho nhân dân lao động, trước hết là nông dân bị phá sản, bần cùng, đồng thời cũng ra đời một số ngành công nghiệp như khai khoáng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải để phục vụ sự thống trị và khai thác thuộc địa của chúng. Và cũng từ đây hình thành một số giai cấp mới như giai cấp công nhân, giai cấp tư sản Việt Nam, lực lượng trí thức, tiểu tư sản… của xã hội Việt Nam hiện đại.

Các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp liên tiếp diễn ra nhưng cuối cùng đều thất bại mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam đã chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh, cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo. Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường cách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô.

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính.

Ngày 01/5/1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị đó không được chấp nhận. Trở về nước, ngày 17/6/1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25/7/1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9/1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.

Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: Thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản (An Nam cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Liên đoàn) đã nhất trí thành lập một đảng cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm Chánh cương vấn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị cũng thông qua Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Tháng 10 năm 1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Kế thừa Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Luận cương Chính trị đã nêu ra cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc và tiến lên giai đoạn xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa (cách mạng xã hội chủ nghĩa).

Trong giai đoạn đầu phải chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện mục tiêu “Độc lập dân tộc”, “Người cày có ruộng”, trong đó đặt mục tiêu chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Phải xây dựng lực lượng cách mạng rộng rãi của toàn dân, trong đó công nhân giữ vai trò lãnh đạo, công nông là hai động lực chính của cách mạng. Phương pháp cách mạng là bạo lực cách mạng. Cách mạng Việt Nam phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới giành được thắng lợi.

Luận cương cũng xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cần tăng cường đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp.

Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh đúng đắn, vạch ra con đường cứu nước khác về chất so với những con đường cứu nước do những nhà yêu nước đương thời vạch ra và đã bị bế tắc, thất bại. Chính cương lĩnh này đã đặt nền tảng cho một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Chính đường lối này là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc có chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, bước đi của cách mạng Việt Nam trong suốt 75 năm qua.

Gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng để có độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.

Văn Thắng