Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; năng cao khả năng “tự bảo vệ” cho CBCS Công an tỉnh Quảng Bình trong tình hình hiện nay

1357
Đánh giá bài viết

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta hiện nay, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập và tăng cường dân chủ xã hội, đã và đang tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển xã hội và từng cá nhân con người. Song, những tiêu cực xã hội về đạo đức, lối sống trong xã hội còn nhiều. Những tiêu cực đó hiện nay đang tác động đến đời sống của nhân dân nói chung và của CBCS Công an nói riêng ở cả hai phương diện đạo đức và lối sống. Bởi vậy, vấn đề đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực trên được đặt ra như một yêu cầu tất yếu, cấp bách và đòi hỏi phải được tiến hành một cách thường xuyên, kiên quyết, triệt để hơn.

CBCS Công an Quảng Bình thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Đảng ta đã chỉ ra các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Do ảnh hưởng tiêu cực của lối sống tư sản, tiểu tư sản và tàn dư của lối sống cũ, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường… dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có CBCS Công an chạy theo lối sống thực dụng, tự do buông thả, vô tổ chức, vô kỷ luật với nhiều thói quen xấu trong cuộc sống và sinh hoạt như rượu chè, cờ bạc bê tha; gây gỗ mất đoàn kết trong tập thể đơn vị; ăn chơi đua đòi quá với khả năng cho phép dẫn tới vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương của ngành…  Có thể nhận thấy, lối sống tự do buông thả, không tự ghép mình vào tổ chức, thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu là một trong các nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự suy thoái về đạo đức và lối sống ở một bộ phận CBCS.

Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của CBCS Công an tỉnh đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương phải kết hợp đồng bộ các biện pháp: quản lý bằng điều lệnh CAND, kỷ luật, nội quy, quy định của ngành, pháp luật Nhà nước; kết hợp với giáo dục, điều chỉnh hành vi đạo đức bằng các chuẩn mực đạo đức, bằng dư luận tập thể, tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng cùng phối hợp để đấu tranh. Xây dựng, phát triển các phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ CBCS Công an tỉnh phải hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND với chức trách, nhiệm vụ của mỗi người.

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng, cần phải cảnh giác cao với những biến tướng của nó, được che đậy rất tinh xảo của nó, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao đạo đức cách mạng gắn liền với đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân phải được cấp ủy, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thông qua các biện pháp như: Làm tốt công tác chính trị tư tưởng; tăng cường pháp chế, cải cách hành chính trong CAND; kết hợp với giáo dục, tự giáo dục để mỗi CBCS tiếp nhận những tri thức cần thiết về nội quy, quy định đơn vị, điều lệnh CAND, pháp luật Nhà nước thông qua hoạt động thực tiễn sinh động để họ tự kiểm tra, tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mình cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội.

Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt công tác định hướng dư luận, biểu thị thái độ khen chê rõ ràng, ủng hộ cái tốt, đấu tranh khắc phục cái chưa tốt, phải hướng dư luận theo yêu cầu nhân đạo hoá con người theo định hướng tích cực bảo đảm cho sự phát triển nhân cách cho đội ngũ CBCS, chứ không phải định kiến, trù dập. Kiên quyết đấu tranh khắc phục các dư luận tiêu cực, gây nghi ngờ, mất đoàn kết trong nội bộ, đơn vị, làm tổn hại đến nhân cách cá nhân và các thành viên trong tập thể đơn vị. Tăng cường mở rộng dân chủ, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong quá trình công tác của CBCS; xây dựng môi trường văn hoá đạo đức trong Công an tỉnh trong sạch, lành mạnh, nâng cao khả năng “Tự đề kháng”, “tự miễn dịch” trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài xâm nhập vào lực lượng Công an.

Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ trọng tâm là phản bác mạnh mẽ, kịp thời, bằng những luận chứng khoa học, bác bỏ có sức thuyết phục các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý kinh tế – xã hội; bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng và thành quả của chế độ XHCN. Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” không chỉ là vô hiệu hóa âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch, mà điều quan trọng là phải làm cho CBCS nâng cao tinh thần cảnh giác, có bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng và tương lai của dân tộc. Đó cũng là cách để tăng cường khả năng “miễn dịch” của CBCS trước sự tấn công của các thế lực thù địch, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất là một quá trình suy thoái từ bên trong, thay đổi từng bước, từ thấp đến cao, từ tư tưởng đến hành động của cá nhân con người. Do vậy, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, ý thức tự rèn luyện của bản thân mỗi CBCS. Nếu CBCS có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thì sự “thẩm thấu” của các tác nhân làm nảy sinh, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ trở nên không có tác dụng. Kết quả phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoàn toàn tuỳ thuộc vào mỗi CBCS. Đúng như V.I.Lênin từng căn dặn: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”.

Đại tá Nguyễn Quốc Tường          

Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình