Đầu tư tốt nhất là đầu tư cho cấp cơ sở

108
Đánh giá bài viết

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở”, sáng 14/3/2022.

Hội thảo do Bộ Công an tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì và điều hành của Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Về phía đơn vị Thường trực tổ chức hội thảo có Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND tham gia điều hành thảo luận cùng đồng chí Thứ trưởng. Tham dự hội thảo có hơn 6.100 đại biểu trực tiếp và trực tuyến tại 64 điểm cầu.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Sự ra đời của luật là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương

Từ điểm cầu Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Hải cho biết đã từng được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên cương vị là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và nhiều lần phát biểu về sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này. Bởi, dù hiện nay chúng ta đã có lực lượng Công an chính quy, nhưng sự tham gia của lực lượng này là cần thiết, bảo đảm cho sự phát triển ổn định của địa phương thì mới phát triển cả về kinh tế, xã hội.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, khi về địa phương 2 năm đồng chí mới thấy sự cần thiết của luật này càng sâu sắc hơn. Lực lượng Công an chính quy về công tác ở xã đã đóng góp nhiều cho sự đổi thay ở xã, các đồng chí giỏi nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, lập biên bản vụ va chạm giao thông rất tốt…, tuy nhiên việc nói tiếng đồng bào, nắm bắt mối quan hệ “dây mơ rễ má” từ các thôn, bản, việc nắm bắt tình hình còn khó khăn, trong khi việc này ở lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở nhuần nhuyễn hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải tham luận từ điểm cầu địa phương.

Khẳng định, nếu ANTT không đảm bảo thì địa phương sẽ không làm được gì, “đầu tư tốt nhất là đầu tư cho cấp cơ sở”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn về chế độ chính sách của lực lượng này.

“Kỳ trước, khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi lực lượng này đi vào hoạt động thì ngân sách là bao nhiêu, có tương xứng với lợi ích mang lại hay không? Tôi khẳng định, lợi ích của lực lượng này mang lại rất quan trọng, và báo cáo tới đây cần làm rõ ngân sách như thế nào, sự tham gia của các địa phương trong đóng góp ngân sách cho lực lượng này cùng với Trung ương ra sao…”, đồng chí nêu quan điểm và đề nghị cho địa phương quyền chủ động cân đối, bố trí thêm ngân sách cho lực lượng này.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên hết sức ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở.

“Sự ra đời của luật này là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế – xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng, hiệu quả. Một đồng bỏ ra nhưng hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế nhiều. Lực lượng này sẽ cùng với Dân quân tự vệ gánh vác thêm các nhiệm vụ, bảo đảm ANTT cho bà con ở địa bàn…”, đồng chí phân tích.

Đồng chí Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giúp Tây Nguyên kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ việc

Đề cập đặc thù địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông cho biết, Gia Lai là tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, có địa chính trị quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng; dân số hơn 1,5 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 45% với 44 dân tộc sinh sống tại 1.576 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 220 xã, phường, thị trấn/17 đơn vị hành chính cấp huyện; diện tích lớn thứ 2 cả nước, đường biên giới 80km tiếp giáp nhiều tỉnh, thành trọng điểm của miền Trung, Tây Nguyên và Campuchia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông tham luận tại điểm cầu địa phương.
Do tính chất địa bàn phức tạp, từ những vấn đề lịch sử chính trị, dân tộc, tôn giáo đến các yếu tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường nên tình hình ANTT có những thời điểm diễn biến phức tạp. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thường xuyên chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, trong đó xác định trách nhiệm và vai trò của lực lượng Công an xã là “đặc biệt quan trọng”, có tính chất then chốt quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương và là lực lượng đầu tiên, thường xuyên tiến hành công tác “dân vận” của lực lượng Công an.

Theo đồng chí, qua gần 4 năm triển khai xây dựng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chứng minh quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả cac mặt công tác Công an tại địa bàn cơ sở, đóng góp vào sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Gia Lai là địa bàn rộng với 1.576 thôn, làng, tổ dân phố, nhiều địa bàn cấp xã rất rộng, tập trung các nhà hàng, khách sạn, xã trọng điểm về ANTT, địa hình hiểm trở, chia cắt… Do đó, phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT để giúp Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ việc, không để bị động, bất ngờ.

Trung tướng Trần Vi Dân điều hành tham luận tại hội thảo.

Thực tế hiện nay, việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn chưa thống nhất, trên 1 địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT có tính chất tương đồng; chức năng, nhiệm vụ được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên chưa đồng bộ, còn chồng lấn, khó khăn trong triển khai thực hiện…

“Tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Công an tiếp tục hoàn chỉnh quy trình đề xuất Quốc hội ban hành “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở” để làm căn cứ cho việc huy động, hỗ trợ và tạo điều kiện về mặt chức danh hành chính cũng như kinh phí cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng hoạt động thống nhất, hiệu lực, hiệu quả”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Đại tá, TS Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an: Tinh gọn đầu mối, không làm tăng chi ngân sách

Trình bày tham luận tại hội thảo, Đại tá, TS Đỗ Khắc Hưởng cho biết, ngoài các lực lượng chính quy, chuyên trách, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố các lực lượng bán chuyên trách, lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đoàn thể quần chúng, nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong đó CAND là lực lượng chuyên trách, nòng cốt; nhiều lực lượng tham gia phối hợp như Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; các lực lượng, mô hình, quần chúng như Hiệp sỹ đường phố, Hội liên gia tự quản…

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng trình bày tham luận tại hội thảo.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng khẳng định, trong những năm qua, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đã phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng, tham mưu trực tiếp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu đặt ra phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách và tiếp tục duy trì, xây dựng, củng cố các lực lượng, mô hình, phong trào quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, giữ vững ANTT ở địa bàn cơ sở; tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách; phát huy sức mạnh các lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng và các lực lượng khác ở cơ sở.

Từ phân tích quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự quan trọng của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở và những bất cập trong quy định hiện nay, TS Đỗ Khắc Hưởng khẳng định cần thiết phải ban hành một đạo luật để điều chỉnh, tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở; sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả giảm số lượng, tăng tính tự quản của cộng đồng dân cư.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an.

“Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức như vậy không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở”, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp nêu quan điểm.

Đồng chí Lê Lập Vũ Quỳnh, Chủ tịch UBND phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị: Những quy định cũ không còn phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay

Tham luận từ điểm cầu Quảng Trị, đồng chí Lê Lập Vũ Quỳnh cho biết, chính quyền phường 1, thị xã Quảng Trị xác định phải xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh, phải dựa vào sức mạnh của quần chúng để ổn định tình hình ANTT trên địa bàn. Sau nhiều lần củng cố, xây dựng, hiện nay, Ban Bảo vệ dân phố của phường có 22 thành viên, bố trí hoạt động ở 4 khu phố, hoạt động hiệu quả.

Đồng chí Lê Lập Vũ Quỳnh tham luận tại điểm cầu Quảng Trị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những bất cập trong các quy định cũ liên quan đến lực lượng Bảo vệ dân phố không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, cần một văn bản luật có giá trị pháp lý cao hơn, quy định đầy đủ, toàn diện đối với lực lượng Bảo vệ dân phố. “Việc đầu tư, trang thiết bị, phương tiện, thực hiện chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố còn nhiều bất cập, nghèo nàn, thô sơ, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và thực tiễn công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở”, ông đề cập.

Từ những phân tích từ thực tế, Chủ tịch UBND phường 1, thị xã Quảng Trị đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cấp, các ngành sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và quy định thống nhất với các lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng nhằm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.

“Đây là những lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, có vị trí, nhiệm vụ tương đồng trong hỗ trợ lực lượng Công an bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở. Dự án Luật cần hướng đến cơ sở, quy định khung về tổ chức, hoạt động, chế chính sách đối với lực lượng này”, đồng chí Lê Lập Vũ Quỳnh bổ sung thêm.

Theo: Quỳnh Vinh – Phương Thủy – Xuân Trường
CAND online