Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ Nhân dân được tốt hơn

504
Đánh giá bài viết

Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã có nhiều cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đẩy mạnh việc cải cách các thủ tục hành chính để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cụ thể hóa và ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội của đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo ra những chuyển biến đồng bộ, có hiệu quả, nhất là tham mưu triển khai có hiệu quả dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dựu án sản xuất quản lý căn cước công dân trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Với các lĩnh vực phục trách về đăng ký, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và con dấu; đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân; công tác xử lý vi phạm hành chính… Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành và chủ động ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết: Để công tác cải cách hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, đơn vị tổ chức ký cam kết và đăng ký thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính  đối với tất cả cán bộ, chiến sỹ; từng đội nghiệp vụ thực hiện đăng ký, cam kết thực hiện nhiệm vụ CCHC trong năm với ít nhất 02 nhiệm vụ mỗi đội và nhiệm vụ phải mang tính đột phá, thực tế. Thủ trưởng đơn vị cũng đã đăng ký 02 nhiệm vụ CCHC mang tính đột phá, sáng kiến và chịu trách nhiệm là người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác.

Năm 2022, đánh dấu là năm triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2035, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Đề án 06). Đây là một đề án lớn, mang tầm quốc gia với nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề, sự thành công của Đề án góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho tổ chức, doanh nghiệp và tất cả người dân, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Trong thời gian ngắn, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh với vai trò là cơ quan giúp việc của Công an tỉnh trong triển khai Đề án đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ của Đề án; hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện tại địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Cũng theo Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, thì lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hôi, Công an tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân, căn cước công dân từ 07 ngày xuống còn 03 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 05 ngày xuống 03 ngày… Ngoài ra, đơn vị cũng đã và đang thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến chủ nhật hằng tuần đối với thủ tục cấp căn cước công dân và tích hợp định danh điện tử cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đảm bảo 100% công dân đều được cấp căn cước công dân gắn chíp. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách trong công tác, đơn vị còn công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính trực tiếp, qua bưu điện, qua email. Công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý tại nơi tiếp công dân…

Một nét nổi bật trong việc cải cách hành chính trong thời gian qua của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đó chính là việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nhất là việc thực hiện có hiệu quả Đề án 06, từ đó từng bước thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, tiến tới lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí, đi lại thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của Nhân dân. Có nhiều giải pháp để đảm bảo dữ liệu dân cư thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; đảm bảo tốt cho việc khai thác của các sở, ban, ngành khi được cho phép. Phối hợp với các sở như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành rà soát, cập nhật thông tin đối với các trường hợp có sự sai lệch so với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Cùng với đó là việc quyết liệt thực hiện cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ; cải cách tài chính công để đảm bảo công khai, tiết kiệm… hướng tới từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết thêm, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện các giao dịch của công dân để tạo điều kiện dịch vụ công trực tuyến và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, chiến sỹ, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động cũng như nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tiếp tục giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng đối với CBCS, nhất là CBCS trực tiếp làm công tác tiếp dân, qua đó giúp cho CBCS luôn chấp hành đúng các quy định, không có thái độ hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực trong khi tiếp xúc với Nhân dân; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo đến CBCS, không có CBCS vi phạm trong giải quyết các TTHC phải bị xử lý kỷ luật.

Ngô Quang Văn