Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ

1240
Đánh giá bài viết

Trong công cuộc bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, thời gian vừa qua công an huyện Lệ Thủy đã tham mưu giải quyết một số vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan ANTT trong nhân dân. Trong đó nổi lên một số vụ việc như tranh chấp, khiếu kiện liên quan đền bù sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra, tranh chấp trong quá trình GPMB dự án FLC tại xã Hồng Thủy, và tranh chấp trong quá trình khai thác titan tại xã Ngư Thủy Nam.

Trong quá trình kê khai, chi trả tiền đền bù do Formosa, một số cán bộ cấp thôn, xã đã làm sai quy trình, không đúng các nội dung trong quyết định 1880/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa thỏa mãn với số tiền và diện đền bù của bản thân, từ đó dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện làm mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với GPMB dự án FLC, để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 3/2017, UBND xã Hồng Thuỷ đã khẩn trương triển khai công tác GPMB, tuy nhiên khó khăn trong công tác GPMB là việc quy chủ từng hộ, từng quyết định trồng rừng dự án APS 2001. Để tiến hành quy chủ dự án APS 2001. Ngày 28/2/2017 UBND xã đã có thông báo cho các hộ có đất và có trồng rừng APS 2001 lên thống kê, báo cáo với UBND xã Hồng Thuỷ. Tuy nhiên trong quá trình thống kê, báo cáo đã xuất hiện tình trạng chồng lấn, tranh chấp diện tích đất trồng rừng APS 2001, dẫn đến tranh chấp, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng.

Đối với việc khai thác titan, giữa tháng 06 năm 2018 có khoảng 20 người dân thôn Liêm Bắc- Ngư Thủy Nam kéo đến mỏ khai thác Titan của Công ty Hoàng Long 1 yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động với lý do bụi bẩn từ các mỏ khai thác Titan bay vào nhà người dân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Liên tiếp những ngày sau đó, người dân kéo lên công ty, gây áp lực buộc công ty phải ngừng khai thác hoàn toàn. Quá trình tranh chấp làm mất ổn định an ninh trên địa bàn, sự việc có nguy cơ diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Trước tình hình đó, Công an huyện Lệ Thủy đã tiến hành các biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định tình hình trên địa bàn. Công tác nắm tình hình, rà soát lại địa bàn được tiến hành ngay sau khi có vụ việc xảy ra. Một mặt, các trinh sát đẩy mạnh các công tác nghiệp vụ cơ bản, mặt khác tích cực nắm thông tin rộng rãi qua các tầng lớp nhân dân, qua hệ thống chính trị, nhất là số đảng viên và quần chúng tốt trên địa bàn. Nhanh chóng phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn để xử lý tình hình, đặc biệt là lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng theo nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12/7/2010 của Chính phủ.
Sau khi nắm chắc tình hình, để ngăn chặn các diễn biến xấu có thể xảy ra, công an huyện đã chỉ đạo các trinh sát địa bàn khẩn trương tham mưu giải quyết sự việc. Công an huyện đã chỉ đạo các trinh sát khai thác sâu, kỹ đặc tính địa bàn, những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nắm bắt di, biến động của các đối tượng cốt cán, cầm đầu. Tích cực thu thập hồ sơ, các tài liệu lưu trữ cùng những văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật có liên quan, phối hợp với công tác dự báo tình hình xử lý các vụ việc xảy ra, như: Tham mưu thành lập các tổ công tác chuyên trách; tổ chức các cuộc đối thoại với nhân dân, làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ; tham mưu cho UBND xã, các công ty thực hiện tốt công tác dân vận, kiên trì giải thích, làm cho dân hiểu, đồng thuận với chủ trương, chính sách của địa phương.
Tại Ngư Thủy Nam, từ chỗ có hơn 100 đơn khiếu kiện gửi đến UBND xã liên quan đến đền bù sự cố môi trường biển, tất cả các trường hợp đều được giải quyết hợp lý, ổn thỏa. Ngư Thủy Nam trở thành một trong những điểm sáng của 04 tỉnh miền Trung trong quá trình đền bù sự cố môi trường biển, đồng chí chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam vì thành tích đó cũng đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại xã Ngư Thủy Trung, từ chỗ có 71 đơn khiếu kiện, một số đơn vượt cấp, thì đến nay với việc thành lập tổ giải quyết đơn thư của bà con nhân dân, trong đó có thanh tra và công an, để tập trung nắm tâm tư nguyện vọng nhằm giải quyết thấu đáo những thắc mắc của bà con. Đến nay, tình hình trên địa bàn đã ổn định, nhân dân yên tâm bám biển, vươn khơi.

Đối với việc tranh chấp khiếu kiện liên quan đến phần đất đền bù của dự án FLC, qua tìm hiểu trong tâm tư, nguyện vọng của người dân, xác định vấn đề cốt lõi dẫn tới bức xúc trong nhân dân là do việc quy chủ đất chưa rõ ràng. Công an huyện ngay sau đó đã tham mưu cho lãnh đạo huyện làm tốt công tác quy chủ đất, đồng thời nghiên cứu kỹ các hồ sơ, tài liệu, các dự án quản lý trước đây để giúp lãnh đạo huyện xử lý đúng và trúng việc quy chủ đất. Việc giải quyết đúng cốt lõi, trọng tâm vấn đề đã giải quyết được những nghi ngờ trong cộng đồng dân cư, tạo được sự đồng tình, nhất trí ủng hộ việc thực hiện dự án.

Đối với dự án khai thác titan, qua nắm tình hình cho thấy, người dân tại các xã trong khu vực khai thác có tâm lý hoang mang, lo sợ việc khai thác titan ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Bão cát, cộng theo các dấu hiệu trước đó như tụt, ô nhiễm nguồn nước, cảnh quan bị ảnh hưởng đã thúc đẩy bà con nhân dân kéo lên công ty, buộc công ty dừng hoạt động. Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện và các xã làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền cho người dân hiểu nguyên nhân thực sự của các sự việc trên, để họ hiểu được mục đích của quá trình khai thác titan. Nhờ những việc làm đúng đắn đó, không chỉ các công ty đi vào hoạt động ổn định trở lại, hình ảnh chính quyền, hình ảnh người Công an được nâng cao, trở nên uy tín và được người dân coi trọng, đánh giá cao.

Quá trình giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong thời gian qua, Công an huyện Lệ Thủy rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Công tác nắm tình hình, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an huyện.

2. Đặc biệt quan tâm, chú trọng làm tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản, đó là nắm tình hình, điều tra cơ bản, quản lý tốt con người, đối tượng trên địa bàn, sự dụng khéo léo các lực lượng sẵn có để nắm tình hình.

3. Chủ động và tích cực trong công tác dự báo tình hình. Thực tiễn việc xử lý các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn thời gian qua cho thấy, chỉ thực hiện công tác nắm tình hình là chưa đủ, cần chú trọng hơn nữa vào công tác dự báo tình hình. Coi dự báo đúng, trúng tình hình là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của lực lượng Công an. Lấy việc dự báo đúng, trúng tình hình là yêu cầu cao nhất trong hoạt động của mình. Có như vậy công tác tham mưu mới đạt hiệu quả cao, giải quyết được thấu đáo, dứt điểm vấn đề.

4. Thực hiện tốt quan điểm lấy dân làm gốc và chú trọng công tác dân vận. Làm tốt công tác dân vận thì dân mới tin, lực lượng Công an mới có thể nắm tình hình, tham mưu đạt hiệu quả cao nhất.

5. Coi trọng trong việc tham gia, thành lập các tổ liên ngành. Dựa vào các tổ liên ngành để nắm bắt, thu thập thêm thông tin về địa bàn, đưa quá trình giải quyết các vụ việc được đồng bộ, liên tục, nhanh chóng.

Thượng tá, Ths Trương Minh Vũ
Trưởng Công an huyện Lệ Thủy