Đẩy mạnh công tác phối hợp đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

399
Đánh giá bài viết

Tài nguyên khoáng sản là một trong những nguồn lực có vị thế rất quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Quảng Bình thuộc vào số ít những tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú như quặng kim loại, quặng khoáng chất công nghiệp, nước khoáng, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về sử dụng tài nguyên khoáng sản ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu về khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường tăng cao do nhu cầu xây dựng ngày càng lớn đã dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, cát ven biển.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; khai thác vượt trữ lượng, khai thác không đúng vị trí mỏ; lợi dụng hoạt động nạo vét cửa sông, cửa biển, lòng hồ để khai thác khoáng sản trái phép; lợi dụng các dự án cải tạo, mở đường để tận thu khoáng sản trái quy định đã làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.

Một điểm khai thác cát trên địa bàn Quảng Bình

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, công tác đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Tuy vậy hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, khai thác cát, đất san lấp vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp hơn. Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, không đúng quy định, đặc biệt là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã làm thay đổi dòng chảy dẫn đến nhiều vùng dọc bờ sông bị sạt lỡ nghiêm trọng, đất nông nghiệp bị xâm lấn, xâm hại các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, nhà ở và an toàn của người dân sinh sống ven sông.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành liên quan, Công an địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản. Phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tổ chức đấu tranh, xử lý có hiệu quả nhiều vụ khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn. Cụ thể:  Năm 2015, các lực lượng Công an trên địa bàn đã phối hợp với với chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan đã phát hiện kiểm tra, xử lý 48 vụ, xử phạt 712.650.000đ. Trong đó 30 vụ khai thác khoáng sản trái phép, 18 vụ kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc; năm 2016, phát hiện kiểm tra, xử lý 88 vụ, xử phạt 868.600.000đ. Trong đó 73 vụ khai thác khoáng sản trái phép; 15 vụ kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc; năm 2017, phát hiện, kiểm tra, xử lý 83 vụ; xử phạt 291.500.000đ. Trong đó 41 vụ khai thác khoáng sản trái phép; 42 vụ kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc; từ đầu năm 2018 đến nay đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 51 vụ/41 đối tượng, xử phạt 139.100.000đ. Trong đó, đã đấu tranh, xử lý 43 vụ/40 cá nhân, 03 tổ chức về hành vi khai thác khoáng sản trái phép; 08 vụ/08 đối tượng về hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, qua công tác nghiệp vụ, phòng Cảnh sát môi trường phát hiện Công ty TNHH Hoà Đại Phát có địa chỉ trụ sở tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có hành vi khai thác trái phép đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng bán cho một số nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn, đã lập kế hoạch đấu tranh, điều tra, xác minh hành vi vi phạm của Công ty TNHH Hoà Đại Phát. Quá trình điều tra, xác minh đã làm rõ trong thời gian từ năm 2014 đến 31/12/2015 Công ty TNHH Hoà Đại Phát đã khai thác 112.679m3 đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, phòng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời chuyển giao hồ sơ vụ việc cho Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt hành chính với số tiền 500.000.000đ; ngày 15/8/2017, phòng Cảnh sát môi trường phát hiện Công ty TNHH XD Việt Tiến có trụ sở tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới có hành vi khai thác đất san lấp trái phép; lập kế hoạch đấu tranh, điều tra, xác minh làm rõ trong thời gian từ ngày 15/7/2017 đến ngày 15/8/2017, Công ty TNHH XD Việt Tiến đã khai thác 3.475m3 đất san lấp tại đồi đất thuộc quản lý và sử dụng của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại chi nhánh lâm trường Đồng Hới tại xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền. Tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH XD Việt Tiến về hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với mức phạt 90.000.000đ, đồng thời truy thu toàn bộ giá trị bằng tiền (69.500.000đ) của khối lượng 3.475m3 đất Công ty TNHH XD Việt Tiến đã khai thác.

Thông qua công tác kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong khâu quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, góp phần tích cực, mang lại hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện nay, trước hết xuất phát từ nhu cầu về sử dụng khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong những năm gần đây là rất lớn. Việc khai thác khoáng sản, nhất là cát, sỏi bán có thu nhập cao hơn so với nghề nông, nghề chài lưới nên nhiều hộ dân đã đóng tàu thuyền để khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông và coi đây là nghề chính. Bên cạnh đó, Chính quyền cấp xã buông lỏng công tác quản lý, cho phép sử dụng bến bãi tập kết cát, sỏi không đúng quy hoạch, không đúng thẩm quyền, sai mục đích sử dụng đất, để người dân tự ý lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích để làm bến bãi. Việc phối hợp các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn thiếu thường xuyên, chưa thống nhất nên hiệu quả chưa cao.

Qua thực tiển công tác đấu tranh, xử lý khai thác khoáng sản trái phép hiện nay có những khó khăn, vướng mắc sau:

1. Việc cắm mốc thực địa khu vực mỏ khoáng sản trên sông ảnh hưởng đến luồng đường thuỷ nên việc xác định vị trí mỏ ở trên sông gặp nhiều khó khăn.

2. Tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông trái phép khó kiểm soát do các đối tượng khai thác theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẽ, hoạt động khai thác chủ yếu vào ban đêm, địa điểm khai thác trên sông, các đối tượng thường xuyên nghe ngóng thông tin để trốn tránh, đối phó với cơ quan chức năng.

3. Một số dự án lợi dụng việc cải tạo đường nông thôn, làng nghề… nhưng thực chất là để tận thu khoáng sản trái với quy định trong quá trình thi công, làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế nhà nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

4. Việc bắt giữ phương tiện khai thác trái phép thiếu bến bãi neo đậu, phải thuê người quản lý, bảo vệ cũng rất tốn kém và khó khăn. Kinh phí cho hoạt động kiểm ra, xử lý vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi lòng sông trái phép là khá lớn và phải thường xuyên nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

5. Nghị định 33/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định mức phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản không có Giấy phép khai thác khoáng sản còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe; hành vi lập bến bãi kinh doanh trái phép khoáng sản không được quy định.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cần tăng cường phối hợp các nội dung sau:

Một là, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản trên diện rộng, nhất là đối với người dân ở xã, phường thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép.

Hai, có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản với các đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Ba là, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương với nhau cũng như các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là tại những địa bàn giáp ranh tránh tình trạng khi kiểm tra địa bàn này thì các đối tượng chạy sang địa bàn khác, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Bốn là, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, đặc biệt là công tác tạm giữ phương tiện đường thủy.

Năm là, các bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép là một trong những nguyên nhân làm gia tăng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và các đơn vị, ban, ngành trong việc kiểm tra, xử lý và xóa bỏ các bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép.

Sáu là, ngoài công tác phối hợp kiểm tra, xử lý những vụ việc đột xuất, định kỳ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Trung tá, Ths Trần Hữu Phong       

Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường