Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật góp phần đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Quảng Bình

999
Đánh giá bài viết

Hội nghị ký cam kết an toàn giao thông tại trường học ở huyện Bố Trạch

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đánh giá qua việc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, đưa hoạt động tham gia giao thông của người dân dần đi vào nề nếp. Với quyết tâm thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động giao thông, những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp, phương án, cụ thể như: Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý xe ô tô khách chở học sinh vi phạm TTATGT; tổng kiểm soát, xử lý chuyên đề xe ô tô khách, taxi, mô tô, xe máy vi phạm về TTATGT, TTCC và mang theo hung khí, vũ khí trái phép khi tham gia giao thông; tổng kiểm soát, xử lý xe ô tô chở người, mô tô, xe máy vi phạm TTATGT trong dịp hè; xử lý xe ô tô vi phạm chở hàng quá trọng tải trên tuyến đường bộ, tổng kiểm soát các phương tiện ô tô có sử dụng nồng độ cồn và ma túy.

Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây, đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, chấp hành và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, cũng như thấy rõ được những hiểm họa, hậu quả của tai nạn giao thông đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Điều đó được thể hiện trong 5 năm liền, Quảng Bình là một trong những tỉnh giảm sâu tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Để đạt được những kết qua đó, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác thì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông của lực lượng CSGT giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Ngoài việc huy động tối đa lực lượng phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, học sinh và người dân trên địa bàn. Nổi bật là đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng điều kiện cụ thể để triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng và Chính phủ, các kế hoạch phương án của Cục CSGT và Công an tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Quá trình thực hiện, đã có nhiều hình thức tuyên truyền thực hiện có hiệu quả góp phần thay đổi nhận thức và thái độ của nhân dân về ATGT.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, lực lượng CSGT đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương xây dựng hàng nghìn tin bài, phóng sự đăng tải trên các báo, đồng thời phát trên sóng phát thanh truyền hình Quảng Bình (QBTV), truyền hình Công an nhân dân (ANTV) và duy trì hơn 60 chuyên mục ATGT phát sóng định kỳ hàng tháng. Tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, tổ chức ký cam kết chấp hành Luật giao thông ở các điểm dân cư, trường học, cơ quan tổ chức với gần 2000 lượt người tham gia; tổ chức cấp phát đĩa CD nội dung tuyên truyền pháp luật ATGT cho các xã, phường, trường học, thường xuyên duy trì việc tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các thôn, xóm, xã, phường; tổ chức các hội nghị tuyên truyền và nhân rộng mô hình “Khu dân cư đảm bảo ATGT” và “Cổng trường an toàn giao thông”. Xây dựng thành công mô hình “Thôn văn hóa giao thông” tại thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch. Đặc biệt, phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Đài PTTH Quảng Bình tổ chức thành công và duy trì hàng năm sân chơi Điểm đến an toàn với mỗi năm một chủ đề và mỗi đối tượng tham dự  khác nhau: Công nhân viên chức lao động Quảng Bình với ATGT, Thanh niên với ATGT, Học sinh THPT với ATGT, Phụ nữ Quảng Bình với ATGT năm 2015; năm 2016 đang triển khai với chủ đề “Nông dân Quảng Bình với an toàn giao thông”. Ngoài ra còn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi Tìm hiểu pháp luật giao thông trong toàn tỉnh; phối hợp với Sở GD – ĐT tổ chức hội thi Vui chung giao thông cấp tiểu học; hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ với hình thức Rung chuông vàng; tổ chức triển lãm tranh ảnh về an toàn giao thông; tham gia liên hoan phim PTTH tỉnh Quảng Bình hàng năm và các giải liên hoan phim do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức đều đạt giải cao.

Với việc triển khai tích cực các biện pháp tuyên truyền nên tình hình TTATGT trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành luật giao thông của cán bộ, học sinh và nhân dân ngày càng được nâng lên một bước, các hành vi vi phạm luật giao thông giảm. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Việc tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; chưa sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, chưa chuyển tải được nhiều thông tin, văn bản pháp luật quy định về ATGT đến với mọi người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa; thanh thiếu niên…

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho mỗi người dân góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT trên địa bàn, qua thực tiễn công tác, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Tăng cường tham mưu cho Ban ATGT tỉnh chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; kịp thời có những phương án, kế hoạch phù hợp với từng thời điểm, tập trung theo chuyên đề đối tượng cụ thể.

2. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT thông qua việc đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, chú trọng đổi mới chương trình, kế hoạch, về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT; đa dạng hóa tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng khác nhau; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền tại địa phương bằng nhiều hình thức phong phú như: Loa phát thanh, các pano áp phích,băng rôn, khẩu hiệu biểu ngữ an toàn giao thông; phát tờ rơi; phát động cuộc thi ATGT, tuyên truyền về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách, xe ô tô tải có kinh doanh vận tải… nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.

3. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể quần chúng, doanh nghiệp, trường học… để tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên… về ý thức chấp hành Luật giao thông, đồng thời lên án mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm TTATGT.

4. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT để tổ chức tuyên truyền, răn đe, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật ATGT. Tập trung vào người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có các lỗi vi phạm như uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép; điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, chở quá trọng tải cho phép, không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định…

5. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, khả năng, kỹ năng về tuyên truyền pháp luật ATGT cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành, các cấp, nhất là ở các cấp cơ sở, huyện, thành phố, thị xã, không ngừng xây dựng đội ngũ này ngày càng lớn mạnh, có nhận thức, hiểu biết sâu sắc về pháp luật ATGT, đáp ứng tốt yêu cầu tuyên truyền tại cơ sở.

6. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, qua đó rút ra những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế để đề ra biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, qua sơ kết, tổng kết phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT.

Trần Đức Dương                               

Trung tá, Th.s,  Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông