Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự

434
Đánh giá bài viết

Thời gian qua, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng đối với các vụ án, vụ việc do đơn vị thụ lý giải quyết.

Đây là một trong những chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người già, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em… mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Điều tra viên giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người tham gia tố tụng

Những nội dung về trợ giúp pháp lý đã được quy định rõ tại Thông tư liên tịch số 10 ngày 29/6/2018 của liên ngành Bộ tư pháp, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Bình. Đó chính là việc cung cấp dịch vụ pháp lý, không thu tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào từ người được trợ giúp pháp lý. Việc trợ giúp pháp lý nhằm mục đích hướng dẫn người dân giải đáp những vướng mắc pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, những người tham gia tố tụng trong các vụ án, vụ việc; đại diện cho người dân thực hiện các công việc trước các cơ quan tiến hành tố tụng.

Những người tham gia tố tụng đều được Điều tra viên, Cán bộ điều tra của đơn vị thông báo, giải thích đầy đủ về các trường hợp được trợ giúp pháp lý miễn phí. Nếu trường hợp người tham gia tố tụng thuộc diện và có nguyện vọng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì đều được Điều tra viên, Cán bộ điều tra của đơn vị hướng dẫn thực hiện các thủ tục yêu cầu theo quy định. Đơn vị sẽ nhanh chóng thông báo những trường hợp này đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình để cử trợ giúp viên pháp lý tiếp cận những đối tượng cần trợ giúp pháp lý miễn phí giúp nắm bắt tình hình, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí…

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, được hưởng những chế độ trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó phát huy tính nhân đạo, tính nhân văn của chính sách pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Đồng thời nâng cao nhận thức của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng nhằm ngày càng phát huy hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự.

          Chi Đoàn Văn Phòng CQCS Điều tra