Để hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trước hết cần ‘luật hóa’

244
Đánh giá bài viết

Tại hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ” các đại biểu tham dự đã thống nhất ý kiến hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước hết và quan trọng nhất cần “luật hóa” bằng việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Sáng 10-2, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an đã chủ trì hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà báo, đại diện hiệp hội vận tải, Tổng công ty tư vấn, thiết kế giao thông vận tải, lực lượng CSGT với nhiều tham luận xuất phát từ thực tiễn giao thông Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Các ý kiến đã thống nhất về phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó nhấn mạnh cần ban hành luật chuyên ngành để điều chỉnh cụ thể, toàn diện lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trước hết và quan trọng nhất là cần nâng cao mức độ “luật hóa” bằng việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sau khi có Luật, cần kịp thời ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hóa và triển khai thực hiện sát thực tiễn, hiệu quả, hiệu lực.

Bộ Công an có chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, chủ động hoàn thiện, tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lực lượng thực thi hiệu lực, hiệu quả.

Nhà báo Lê Anh Đức, Báo Đại đoàn kết tham luận về hiệu quả khi tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án luật độc lập

Các đại biểu phân tích, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần kế thừa những quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008, đồng thời tập trung pháp điển hoá các chế định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập.

Cụ thể, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được khẳng định là một bộ phận, một nội dung của công tác bảo đảm an ninh, trật tự thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.

Trong phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch “quyền hạn đi đôi với chịu trách nhiệm”.

Cần tiếp tục kế thừa và nội luật hóa quy định của Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ để bảo đảm các quy tắc giao thông đường bộ Việt Nam tương thích và phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như xác định rõ hơn về khái niệm người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chuẩn hoá quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty thiết kế tư vấn giao thông vận tải tham luận tại hội thảo

Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Kết luận hội thảo, Trung tướng Đỗ Lê Chi khẳng định hội thảo đã thành công tốt đẹp, với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn. Ban tổ chức sẽ khẩn trương tập hợp để xây dựng báo cáo lên lãnh đạo Bộ, đề xuất tham mưu với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo: Châu Anh
Chuyên đề An ninh Thủ đô