Điểm mới về quy định “Chuẩn bị phạm tội” tại Điều 14 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) so với Điều 17 BLHS năm 1999

10121
Đánh giá bài viết

So với quy định chuẩn bị phạm tội tại Điều 17 BLHS năm 1999 cho thấy quy định chuẩn bị phạm tội tại Điều 14 BLHS năm 2015 có ba điểm mới là: Thứ nhất, Bộ luật bổ sung hành vi “thành lập, tham gia nhóm tội phạm” vào định nghĩa khái niệm chuẩn bị phạm tội; Thứ hai, Bộ luật giới hạn và quy định hành vi chuẩn bị phạm những tội cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự; Thứ ba, Bộ luật cũng giới hạn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm một số tội cụ thể (02 tội).

– Chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cố ý (cố ý trực tiếp) như chuẩn bị kế hoạch, công cụ, phương tiện, điều kiện khác để phạm tội; tìm người cùng phạm tội như thành lập nhóm tội phạm, tham gia nhóm tội phạm.

Chuẩn bị phạm tội tuy chưa phải là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội cụ thể, chưa trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động để gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nhưng với tính chất là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cũng như cho việc gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Sự gây thiệt hại cho khách thể và mức độ thiệt hại phụ thuộc đáng kể vào hành vi chuẩn bị. Vì vậy hành vi chuẩn bị phạm tội là nguy hiểm cho xã hội và được coi là một giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm cố ý.

Hành vi chuẩn bị phạm tội thường được thể hiện dưới các dạng sau: Chuẩn bị kế hoạch phạm tội; chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; thăm dò địa điểm phạm tội; thăm dò, tìm hiểu nạn nhân hay người bị hại; loại trừ trước các trở ngại cho việc thực hiện tội phạm như cắt điện, vô hiệu hóa camera…; thành lập nhóm tội phạm như lôi kéo, xúi giục, tập hợp, bàn bạc, phân công trách nhiệm cho từng người trong nhóm tội phạm; tham gia nhóm tội phạm như gia nhập nhóm tội phạm, thực hiện những hành vi mà nhóm tội phạm phân công,…; Chú ý: đối với hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm chỉ là hành vi chuẩn bị phạm tội nếu việc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm không thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 109; điểm a khoản 2 Điều 113; điểm a khoản 2 Điều 299 BLHS năm 2015 vì đây là các trường hợp tội phạm hoàn thành của các tội phạm cụ thể đó (Xem bình luận các Điều 109, 113, 299 BLHS năm 2015). BLHS năm 2015 bổ sung  hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm là hành vi chuẩn bị phạm tội không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm mà còn đảm bảo tính tương thích của pháp luật hình sự Việt Nam với luật hình sự quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Hành vi chuẩn bị phạm tội bị dừng lại vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội, hay nói một cách khác là vì nguyên nhân khách quan nên người chuẩn bị phạm tội đã không bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, việc người phạm tội phải dừng lại không thực hiện tội phạm là do những trở ngại khách quan (bản thân chủ thể mong muốn thực hiện tội phạm) như: Chuẩn bị súng để giết người hay cướp tài sản thì bị người khác hay nạn nhân phát hiện hoặc bị công an bắt giữ khi khám nhà, khám người; chuẩn bị thuốc nổ để chế tạo bom để khủng bố thì bị công an phát hiện;…Đây là đặc điểm để phân biệt chuẩn bị phạm tội với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (xem bình luận Điều 16 BLHS năm 2015).

– Trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội. Tuy được coi là một trong các giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm, nhưng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội còn hạn chế bởi hành vi chuẩn bị phạm tội chưa phải là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội định thực hiện, khách thể của tội định thực hiện chưa bị xâm hại, hậu quả nguy hại chưa xảy ra…Do vậy, không phải hành vi chuẩn bị phạm tội nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. BLHS năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi chuẩn bị phạm tội đối với một số tội cụ thể do yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý sớm (25/314 tội danh được quy định trong BLHS). Đó là hành vi chuẩn bị phạm một trong các tội quy định tại điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 124, 134, 168, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 BLHS.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 BLHS thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 2 và khoản Điều 14 BLHS năm 2015 khác với quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS năm 1999 ở ba điểm sau: Thứ nhất, Bộ luật đã thu hẹp đáng kể số hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (hành vi chuẩn bị phạm 25/314 tội danh được quy định trong BLHS không phân biệt loại tội); Thứ hai, Bộ luật quy định hành vi chuẩn bị phạm những tội danh cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự không chỉ tại điều luật về chuẩn bị phạm tội mà còn quy định hành vi chuẩn bị phạm tội và trách nhiệm hình sự của hành vi đó trong một khoản của điều luật quy định tội danh đó; Thứ ba,  Bộ luật cũng quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội là tội giết người (Điều 123 BLHS) và tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).

Đoạn 2 Điều 17 BLHS năm 1999 quy định khái quát “Người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự…” theo quy định này, căn cứ quy định phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 và quy định về các tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật này có thể xác định phạm vi những hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự là rất rộng (trên dưới 190 cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ) và việc xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là không khả thi trong nhiều trường hợp.

Quy định mới của BLHS năm 2015 như phân tích trên đây cho thấy việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với hành vi chuẩn bị phạm  một số tội (25 tội) và quy định cụ thể những tội danh, khung chế tài đối với từng hành vi chuẩn bị phạm tội vừa thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, vừa tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc áp dụng, đảm bảo tính công khai, minh bạch của luật hình sự.

Cần chú ý: Nếu hành vi chuẩn bị phạm tội đã cấu thành một tội độc lập khác thì ngoài tội chuẩn bị thực hiện được quy định phải chịu trách nhiệm hình sự, người có hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó. Ví dụ: lấy trộm súng quân dụng (chiếm đoạt vũ khí quân dụng) đề chuẩn bị phạm tội giết người thì người phạm tội không chỉ chịu trách nhiệm hình sự về giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Quang Thắng