Điểm mới về “Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” tại Điều 137 BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999

873
Đánh giá bài viết

Bổ sung hai tình tiết tăng nặng định khung là quy định trường hợp phạm tội theo hai mức từ 31% trở lên đến 60%; từ 61% trở lên. Tình tiết thứ hai là “đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ”.

Ảnh minh họa.

+ Khách thể của tội phạm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là hành vi của người trong quá trình thực hiện công vụ của mình đã làm cho người khác bị thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.

+ Mặt khách quan của tội phạm: được thể hiện ở hành vi làm cho người khác bị thương, bị tổn hại sức khỏe do họ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Về hành vi “dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép”, xem bình luận Điều 127 BLHS năm 2015. Hậu quả của hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.

Đánh giá mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ vào bản giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Tỷ lệ thương tích nặng là từ 31% đến 60%. Tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên là thương tích rất nặng.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là tội cấu thành vật chất nên phải xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.

+ Chủ thể của tội phạm: Là người có năng lực TNHS và từ đủ 16 tuổi trở lên còn là người đang thi hành công vụ, tức là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, những công dân được huy động làm nhiệm vụ như: tuần tra, canh gác, bảo vệ theo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền hoặc công dân vì lợi ích chung của xã hội mà đã sử dụng một loại công cụ nào đó gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người phạm tội đó thì cũng được coi là người thi hành công vụ.

+ Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là vì lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

+ Hình phạt: Điều luật quy định 2 khung hình phạt.

– Khung 1.  Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

– Khung 2. Quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng trong các trường hợp sau:

Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cấm đảm nhiệm chức vụ là không cho người bị kết án giữ những chức vụ nhất định trong các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội. Cấm làm những nghề hoặc công việc nhất định là không cho người bị kết án làm những nghề, công việc nhất định trong lĩnh vực cụ thể như nghề thuế vụ, kiểm lâm, cảnh sát, công tác bảo vệ…

Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ

1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tiêu Dao