“Điều 129. Phong tỏa tài khoản” là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự mới được quy định trong BLTTHS năm 2015

10575
Đánh giá bài viết

Phong tỏa tài khoản là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng với người bị buộc tội nhằm đảm bảo việc thi hành án dân sự trong bản án hình sự.

 

Ảnh minh họa.

 

Đây là biện pháp mới được quy định trong BLTTHS năm 2015 với mục đích không cho một số tiền nhất định trong tài khoản của người bị buộc tội hoặc người có liên quan đến tội phạm mở tại các tổ chức tín dụng và kho bạc nhà nước được tiếp tục giao dịch, nhằm loại trừ nguy cơ số tiền này trong tài khoản được chuyển nhượng đến một tài khoản khác dẫn tới sau này việc thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có) áp dụng đối với người bị buộc tội sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn.

Theo Luật Tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Điều luật quy định người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

– Đối tượng áp dụng: Là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự hoặc người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người buộc tội. Pháp luật của một số quốc gia cho phép áp dụng biện pháp này đối với cả người thân thích của người bị buộc tội trong những trường hợp cần thiết.

– Căn cứ áp dụng: Chỉ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản khi người bị buộc tội có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước và có căn cứ giống như biện pháp kê biên tài sản.

– Thẩm quyền và thủ tục áp dụng: như thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản. Việc phong tỏa tài sản phải bằng lệnh trong đó ghi rõ phong tỏa số tiền là bao nhiêu. Như vậy, phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự không có nghĩa là phong tỏa toàn bộ tài khoản, mà chỉ phong tỏa một khoản tiền nhất định trong tài khoản giống như phong tỏa tiền trong tài khoản Luật thi hành án dân sự. Phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự khác với khái niệm tài khoản phong tỏa được sử dụng trong kinh doanh thương mại.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải giao lệnh phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và lập biên bản giao nhận lệnh phong tỏa. Thủ tục phong tỏa tài khoản được thực hiện như quy định tại khoản 4 điều luật.

 

Điều 129. Phong tỏa tài khoản

1. Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản. Lệnh phong tỏa tài khoản của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

3. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

4. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.

Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

 

 

Thanh Đạt