Điều tra khám phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì lợi ích của nhân dân

559
Đánh giá bài viết

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách để đổi mới, phát triển kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát triển các doanh nghiệp; mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, lợi dụng các chủ trương, chính sách này, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong đó có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến ANTT.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cơ quan ANĐT đã thụ lý giải quyết nhiều tin báo, tố giác tội phạm, các vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó nổi lên là các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của cá nhân và tổ chức như: Vụ án Trương Thị Lan Anh lừa đảo chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng; vụ án Nguyễn Văn Am lợi dụng chính sách xây dựng nông thôn mới để lừa đảo chiếm đoạt 5.830.000.000đ của nhiều doanh nghiệp ở 32 tỉnh, thành phố trên cả nước; vụ án Cao Thị Thúy Quỳnh giả danh cán bộ ngân hàng để huy động tiền gửi chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng; vụ án Nguyễn Văn Hoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc đưa người xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Các vụ án trên đã gây ra thiệt hại hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả điều tra xử lý các vụ án, chúng tôi rút ra những đặc điểm sau:

Loại tội phạm này trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và làm ảnh hưởng đến ANTT. Đáng chú ý, các đối tượng thường lợi dụng vào những lĩnh vực nhạy cảm, nổi lên để  thực hiện hành vi phạm tội, như: Lĩnh vực hợp tác xuất khẩu lao động; lĩnh vực đấu thầu các công trình, hạng mục xây dựng; lợi dụng nhu cầu các doanh nghiệp, tâm lý của người dân… Các đối tượng đứng ra tự nhận là các tổ chức có chức năng đưa người xuất khẩu lao động hoặc môi giới để yêu cầu các cá nhân nộp tiền phục vụ việc xuất cảnh ra nước ngoài nhằm hướng vào một bộ phận quần chúng nhân dân đời sống kinh tế còn khó khăn, mong muốn xuất khẩu lao động để tìm kiếm thêm thu nhập cho gia đình, do đó họ đã gom các nguồn kinh tế, thậm chí vay tiền các tổ chức tín dụng để nộp cho các đối tượng với mong muốn được xuất cảnh lao động. Sau khi thu gom được tiền của người dân, các đối tượng liền cắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân, trong đó có những khoản nợ rất lớn được thế chấp tài sản để vay các tổ chức tín dụng. Hoặc chúng dùng các thủ đoạn để tạo ra vỏ bọc là người có vai trò vị trí trong xã hội, có khả năng giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề đấu thầu; trực tiếp giới thiệu các văn phòng “ma” mà chúng cho là trụ sở của công ty đặt tại các thành phố lớn nhằm tạo niềm tin để tiếp cận từ đó chiếm đoạt tài sản.

Phương thức, thủ đoạn thực hiện các hành vi lừa đảo rất đa dạng và ngày càng tinh vi; các đối tượng lợi dụng vào các chủ trương, đường lối của Đảng; nhu cầu của người dân; tự đánh bóng tên tuổi, đưa ra những lời hứa hẹn về các hình thức xuất cảnh, lao động, mức tiền lương; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ít tiếp cận thông tin của người dân để tạo niềm tin, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp, đối tượng tự nhận mình là cán bộ có vai trò vị thế trong các cơ quan Nhà nước, có nhiều mối quan hệ rộng với cán bộ cấp cao ở các cấp, các ngành để thực hiện hành vi phạm tội, như vụ án Trương Thị Lan Anh- lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng tự đánh bóng tên tuổi của mình, tự nhận là Trưởng Ban kinh tế thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, có quan hệ rộng để tạo niềm tin nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều doanh nghiệp trong việc đấu thầu các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong vụ án Nguyễn Văn Am lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng tự nhận mình là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Việt Nam- CuBa, cùng với một số đối tượng tự dựng lên Tập đoàn gồm đầy đủ cơ cấu, tổ chức, nguồn vốn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục doanh nghiệp trên cả nước.

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội rất da dạng, có đối tượng từng làm trong cơ quan Nhà nước, có đối tượng ngoài xã hội, nhưng tựu chung lại phần lớn có kiến thức xã hội, am hiểu pháp luật, thậm chí có trình độ cao; không có công ăn việc làm ổn định, muốn kiếm được nhiều tiền với bất cứ cơ hội nào có thể. Vì vậy chúng luôn tìm hiểu những lĩnh vực có các điều kiện thuận lợi để có thể lợi dụng thực hiện các hành vi, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Việc đấu tranh với những đối tượng này rất khó khăn vì các đối tượng là những người có hiểu biết xã hội nhất định, thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi để tạo được niềm tin với các cá nhân, tổ chức; chúng thường nghiên cứu kỹ các kẽ hở của pháp luật, thông qua nhiều đầu mối trung gian để tiếp cận mục tiêu; sử dụng công nghệ thông tin để tiến hành các hành vi phạm tội, nếu không được thu thập kịp thời, đúng trình tự thủ tục thường rất dễ cho các đối tượng tiêu hủy, phản cung. Có những trường hợp, bị hại đã qua một thời gian dài tìm mọi cách để liên lạc đòi lại tiền nhưng không được mới báo cho cơ quan điều tra. Chính vì những đặc điểm đó dẫn đến công tác điều tra xác định đối tượng chính và truy bắt gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức.

Trong thời gian qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây, phòng An ninh điều tra đã thụ lý giải quyết nhiều tin báo, vụ án liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo về chất lượng và hiệu quả. Việc khởi tố điều tra và tiến hành các hoạt động điều tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính khách quan chính xác, xử lý đúng người, đúng tội. Quá trình điều tra đã phối kết hợp tốt với các đơn vị, địa phương và các cơ quan khác. Vì vậy, tiến độ điều tra xử lý nhanh gọn, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, thu giữ, trả lại lượng lớn tài sản cho nhiều bị hại, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn và mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân đối với lực lượng CAND.

Qua thực tiễn công tác, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, giáo dục cho CBCS thấy được tích chất, đặc điểm của loại tội phạm này để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy đối với công việc cho CBCS; khắc phục mọi khó khăn thử thách để hoàn tốt nhiệm vụ được cấp trên giao với yêu cầu đặt ra là xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội, đồng thời thu hồi tài sản trả lại cho nhân dân.

Hai là, tiếp tục tạo điều kiện nâng cao lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tin học cho cán bộ, chiến sỹ tham gia đấu tranh với loại tội phạm này. Các vụ án lừa đảo thường được các đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các tài liệu, vật chứng của vụ án thường được lưu giữ ở các thiết bị cao đòi hỏi CBCS cần có trình độ nghiệp vụ, trình độ tin học tốt để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Ba là, trong giải quyết các vụ việc, vụ án cần điều tra một cách khách quan để xác định rõ vụ việc có tính dân sự và vụ việc có dấu hiệu hình sự. Tuyệt đối không được chủ quan dẫn đến hình sự hóa quan hệ dân sự hoặc dân sự hóa vụ việc có dấu hiệu hình sự. Thực tế giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm, Cơ quan An ninh điều tra đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ và tổ chức đánh giá thận trọng nhằm giải quyết vụ việc đúng pháp luật và đúng tính chất. Khẩn trương đề xuất khởi tố đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đồng thời trả lời, hướng dẫn cá nhân, tổ chức hướng giải quyết khi vụ việc không có dấu hiệu tội phạm. 

Bốn là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng An ninh điều tra với lực lượng trinh sát cũng như với các cơ quan, ban ngành khác có liên quan; chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Năm là, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao sự cảnh giác của người dân trước âm mưu của các đối tượng lợi dụng các vấn đề xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này, đảm bảo nghiêm minh, răn đe chung.

Đại tá Nguyễn Văn Vĩ       

Trưởng phòng An ninh điều tra