ĐỔI MỚI KHÂU BỐ TRÍ, SỬ DỤNG CÁN BỘ THEO QUAN ĐIỂM NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 (KHÓA XII) CỦA ĐẢNG

5298
Đánh giá bài viết

Trong công tác cán bộ, khâu bố trí, sử dụng cán bộ giữ vị trí rất quan trọng. Bởi nếu bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bố trí, sử dụng cán bộ không đúng, không chính xác có thể làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân, thậm chí gây nên sự trầm lắng, trì trệ trong công việc hoặc làm xáo trộn tâm lý của cả một tập thể.

Thực tế hơn 30 năm đổi mới cho thấy, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, đem lại những kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp đổi mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch”[1]. Đa số cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ được đào tạo cơ bản cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, có khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII). Trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống, phần đông cán bộ giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh. Về tổng thể, đội ngũ cán bộ có sự trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nếu năm 1997 có hơn 1,35 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì năm 2017, số cán bộ, công chức, viên chức đã tăng gấp đôi với hơn 2,72 triệu người. Số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học tăng từ 4,4% lên 7,3%. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi công tác ở bộ, ban, ngành trung ương là 6,22%; ở cấp tỉnh là 6,41%; cấp huyện dưới 35 tuổi là 6,5%; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý công tác tại địa phương tăng hai lần trong ba nhiệm kỳ qua, từ 10% lên 20%; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ công tác ở các bộ, ban, ngành trung ương là 13,03%. Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ với tư duy đổi mới đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước.

 Tuy nhiên, ở một số nơi việc bố trí, sử dụng cán bộ chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, địa phương nên một số trường hợp chưa thực sự khách quan, dân chủ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo; chưa phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ. “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc”[2]. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ năm 2007 đến năm 2017, trong các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phát hiện 7.190 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, 1.715 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật[3]. Tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ là người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện vẫn diễn ra ở nhiều nơi – kể cả cấp Trung ương như ở Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, các tỉnh: Thanh Hóa, Bình Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Gia Lai, Ninh Thuận,….

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nêu lên những mặt hạn chế trong khâu bố trí, sử dụng cán bộ, đó là “Việc bố trí, sử dụng cán bộ mới chỉ chú ý đến yêu cầu hoàn thành niệm vụ trước mắt, ít quan tâm đến việc đào tạo cán bộ cho lâu dài; trong nhiều trường hợp còn nặng về chuyển dịch theo thứ tự, thâm niên, chưa phù hợp với sở trường công tác, ngành nghề đào tạo; chậm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, hẫng hụt cán bộ ở nhiều địa phương, ngành”[4]; “Việc bố trí, sử dụng cán bộ có nơi chưa thực hiện theo quy hoạch cán bộ; một số trường hợp bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa đúng người, đúng việc, còn có biểu hiện cục bộ, nặng về thứ tự, thâm niên, gò ép về cơ cấu, chưa bảo đảm chất lượng… Phương châm bố trí cán bộ “có lên, có xuống, có vào, có ra” ít được thực hiện;…”[5]. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng nêu lên tình trạng “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”[6].

Trước những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng nêu quyết tâm phải “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ[7]. Muốn thực hiện được điều đó vấn đề đặt ra là phải đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Vì các khâu trong công tác cán bộ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khâu trước là tiền đề của khâu sau, trong đó bố trí, sử dụng cán bộ xét đến cùng là mục tiêu hướng đến của các khâu khác.

Từ thực tế trên cho thấy, để đổi mới khâu bố trí, sử dụng cán bộ cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bố trí, sử dụng cán bộ theo phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”[8]. Phương châm này đã được đề ra trong các quy chế, quy định của Đảng như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) ngày 18/6/1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” chỉ ra yêu cầu “người không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tuỳ theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ngày 16/01/2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu rõ “Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội”… nhưng đã không được thực hiện tốt.

Qua 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trừ số cán bộ bị thi hành kỷ luật cách chức hoặc phải xử lý hình sự còn thực tế phổ biến là “lên” mà khó “xuống”, vào biên chế thì không ra được. Một số cán bộ phẩm chất và năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhưng vẫn được ngồi yên giữ ghế mà không thể thay thế. Hoặc có trường hợp vi phạm khuyết điểm được điều chuyển vị trí công tác tiếp tục vẫn giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, thậm chí lại được giữ chức vụ cao hơn. Điều này vừa thiếu bình đẳng, vừa làm giảm sự phấn đấu của cán bộ, tạo sức ỳ, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài cho đất nước. Vấn đề đang đặt ra đòi hỏi Đảng ta cần xây dựng mới hoặc bổ sung Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ” để cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra” được tổ chức thực hiện trong thực tiễn và như vậy công tác cán bộ sẽ có sự đổi mới thực sự.

    Thứ hai, bố trí, sử dụng cán bộ phải “tùy tài mà dùng người”. Tài của người cán bộ được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Có thể nói, dùng cán bộ là trách nhiệm của người lãnh đạo đồng thời thể hiện tài năng, là một tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo tốt, cán bộ lãnh đạo giỏi. Nếu bố trí sai người, sai việc tất sẽ dẫn đến cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ mà còn làm hại cán bộ, lãng phí “chất xám”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều chỉ dẫn trong cách dùng người, chẳng hạn trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, Bác nói “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”[9]. Ở một khía cạnh khác, Bác nói “người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề mộc thì giao cho việc thờ rèn, người giỏi thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”[10].

Thứ ba, bố trí, sử dụng cán bộ phải quán triệt quan điểm “vì việc mà bố trí người” chứ không “vì người mà sắp xếp việc”. Để thực hiện tốt điều này phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: một phải trọng dụng nhân tài. Vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia, là lực lượng rường cột của mỗi quốc gia nói chung, của mỗi một tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng. Sở dĩ Xinh-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc có những bước phát triển ngoạn mục vì họ có chính sách đúng đắn về trọng dụng nhân tài nên dù đất nước họ không giàu tài nguyên nhưng ngày càng phát triển. Ở nước ta, thời gian qua, trên cơ sở chính sách chung của Đảng và Nhà nước, một số ngành, địa phương đã có cơ chế trọng dụng nhân tài, như: Bộ Giao thông – Vận tải, các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,… nhưng mỗi nơi có mỗi cách làm khác nhau, thiếu tính nhất quán, thiếu tính liên tục. Nên chăng, trong thời gian tới cần phải có cơ chế tiến cử, đề cử gắn liền với trách nhiệm trước pháp luật và cơ chế bảo vệ nhân tài theo hướng người có đức, có tài hơn phải được xếp ở cương vị cao hơn. Thực hiện chủ trương “thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”[11] mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đề ra. Hai phải lựa chọn công việc thích hợp cho từng người. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vị trí việc làm và số người làm việc tương ứng. Vì vậy, các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tiến hành mô tả vị trí việc làm và quy định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của từng vị trí công tác. Trên cơ sở bản mô tả công việc, cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đưa ra cái nhìn khái quát, cụ thể nhất đối với từng vị trí việc làm cũng như xác định được tính phức tạp của từng mảng công việc để sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả đảm bảo đúng người, đúng việc.

Thứ tư, bố trí, sử dụng cán bộ phải căn cứ vào năng lực, đạo đức, lối sống và trình độ chính trị của cán bộ đó chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp. Một tồn tại lâu nay trong bổ nhiệm cán bộ là quá coi trọng bằng cấp. Từ vấn đề này kéo theo rất nhiều hệ lụy, đó là việc mua bán bằng cấp, quan chức thi nhau đi học để có bằng, để chuẩn hóa, tình trạng “học giả, bằng thật”, học thật, bằng thật nhưng không có chất lượng thậm chí một số cán bộ đã tìm mọi cách để “chạy bằng cấp” nhằm mục đích tiến thân với động cơ không lành mạnh. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Nên chăng trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ – nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cơ quan, đơn vị cần xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là tiêu chí quan trọng nhất và đòi hỏi phải trải qua sát hạch, thi tuyển một cách thực chất, khách quan, công bằng, minh bạch. Đây là việc làm thiết thực, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Qua triển khai, một số cơ quan Trung ương và địa phương đã tiến hành thi tuyển lãnh đạo như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, các tỉnh: ĐắkLắk, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng,…  Theo đánh giá, phương thức tuyển chọn này sẽ chống được tiêu cực chạy chức chạy quyền, loại bỏ được tệ “con ông cháu cha”, tránh tình trạng bổ nhiệm khép kín, cục bộ; đảm bảo tuyển chọn, phát hiện, thu hút, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ để bố trí vào cương vị tương xứng. Mặt khác đây là một “sân chơi” bổ ích, tạo cơ hội cho nhiều cán bộ được tham gia thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng.

Ths Nguyễn Thị Trà Giang      

Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình

—————————————-

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.188.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.49.

[3] Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy BCH TW Đảng khóa XII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. CTQG-ST, Hà Nội 2018, tr.31

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Chín, Ban chấp hành Trung ương (khóa X), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009, tr.210.

5 Sđd, tr.225-226.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.27.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.62.

8 Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy BCH TW Đảng khóa XII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. CTQG-ST, Hà Nội 2018, tr. 132

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.72.

10 Sđd, tập 5, tr.633.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Trung ương (khóa XI), Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2012, tr.32.